MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thảm kịch giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở khu phố Itaewon Hàn Quốc khiến hơn 150 người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Halloween ở Hàn Quốc không phải lần đầu có giẫm đạp chết người

Bảo Trân LDO | 30/10/2022 17:28
Vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở phường Itaewon, Seoul, Hàn Quốc khiến ít nhất 151 người chết không phải là tai nạn đầu tiên như vậy trên thế giới.

Trước đó, các vụ việc tương tự đã diễn ra ở lễ hội âm nhạc Houston (Mỹ); trận bóng tại một sân vận động ở Anh; trong một cuộc hành hương ở Saudi Arabia; hộp đêm ở Chicago (Mỹ) hay vô số các cuộc tụ họp khác. Trong đó, đám đông lớn tràn vào lối ra vào hay áp sát sân khấu khiến nhiều người bị bóp nghẹt theo đúng nghĩa đen.

Và một lần nữa, vụ việc đau lòng đã xảy ra tại lễ hội Halloween ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc hôm 29.10. Tại đây, đám đông đã xô đẩy nhau trong con phố Itaewon chật hẹp khiến ít nhất 151 người chết và hàng trăm người bị thương.

Theo nhiều nhận định, nguy cơ xảy ra những tai nạn thương tâm như vậy đã giảm bớt khi các sự kiện phải dừng, hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nay, những sự kiện đó đã trở lại.

Tuy nhiên, không thể khẳng định mọi sự kiện có đám đông tụ tập đều xảy ra tình trạng này. Vậy sai lầm nào dẫn đến các vụ giẫm đạp đầy thương tâm?

Không phải giẫm đạp, ngạt thở mới là nguyên nhân

Nhiều người lầm tưởng nguyên nhân tử vong trong đám đông là do giẫm đạp lên nhau. Tuy nhiên, lý do thật sự là vì ngạt thở, không có đủ không khí để duy trì sự sống.

Những người không chứng kiến không thể hình dung được tại sao con người có thể ngạt khí khi đang ở ngoài trời? Trên thực tế, trong đám đông chen chúc, chỉ cần một người ngã xuống có thể gây nên hiệu ứng domino. Các cơ thể ngã chồng lên nhau, gây nên áp lực đến mức không thể thở được.

Giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh cho biết, khi mọi người cố gắng đứng dậy, tay và chân họ bị xoắn vào nhau. “Khoảng 30 giây trước và 6 phút sau khi một người bất tỉnh, họ rơi vào tình trạng ngạt thở. Đây chính là nguyên nhân gây tử vong - không phải giẫm đạp mà là ngạt thở”.

Ký ức kinh hoàng

Những người sống sót kể về câu chuyện này với sự ám ảnh tột độ. Họ nghe thấy những tiếng thở hổn hển, càng lúc càng bị đẩy sâu vào đám đông, cảm tưởng như đang mắc kẹt ở một trận lở tuyết…

Theo một báo cáo sau một vụ giẫm đạp vào năm 1989 tại sân vận động bóng đá Hillsborough ở Sheffield, Anh dẫn đến cái chết của của gần 100 cổ động viên Liverpool: “Những người sống sót mô tả họ dần dần bị đè nén đến mức không thể cử động, đầu của họ bị kẹp chặt giữa vai và cánh tay của người khác. Ai nấy đều thở hổn hển trong tình trạng hỗn loạn. Thậm chí, họ nhận thức được rằng mọi người đang dần chết đi và bất lực hình dung người tiếp theo sẽ là mình”.

Các vụ việc tương tự

Tại một hộp đêm ở Chicago vào năm 2003, một đám đông bắt đầu rơi vào tình trạng hỗn loạn và giẫm đạp khi các nhân viên an ninh sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán một cuộc ẩu đả. Tại đây, 21 người đã tử vong trong đám đông ngày một lớn.

Cùng thời điểm, ở Indonesia, 131 người đã thiệt mạng khi hơi cay được bắn vào một sân vận động nửa kín, gây ra vụ giẫm đạp ở các lối ra sân vận động.

Ở Nepal năm 1988, trong một trận bóng đá, mưa bất ngờ đổ như trút khiến hàng trăm người hâm mộ đổ xô về các lối ra của sân vận động – lúc bấy giờ các lối đi đều bị khóa – dẫn đến cái chết của 93 cổ động viên.

Trong vụ việc gần đây ở Hàn Quốc, một số hãng tin cho biết, một vụ đánh nhau đã xảy ra sau khi lượng lớn người đổ xô đến một quán bar khi nghe tin có người nổi tiếng xuất hiện ở đó.

Tuy nhiên, theo Hindustan Times, một vị giáo sư người Anh -  người đã nhiều lần trên cương vị là nhân chứng chuyên môn trong các phiên tòa liên quan đến đám đông - đã đã lý giải tâm lý của các nạn nhân bằng cách chỉ ra ví dụ có ai đó hét lên: “Cháy!” giữa một đám đông hoặc “Hắn ta có súng!”.

Khi đại dịch COVID-19 không còn quá nghiêm trọng, các đám đông được “tái” tụ tập. Trong thời gian diễn ra đại dịch, các cuộc vui cố gắng sáng tạo để mọi thứ có vẻ vẫn bình thường - nhiều người còn gọi đây là “bình thường mới”. Mọi hoạt động đều cố gắng tiếp diễn một cách bình thường, tuy nhiên, các đám đông không được tập trung như trước. Tuy nhiên, bây giờ, đám đông đã trở lại. Nguy hiểm cũng theo đó quay trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn