MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàn mối nối đầu tiên tại đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia. Ảnh: gazprom.com

Hãng dầu lớn nhất của Nga tìm cách bán khí đốt cho Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 11/01/2023 08:57
Rosneft của Nga đang tìm cách cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 2 (Power Of Siberia 2). 

Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga Rosneft đang tìm cách xuất khẩu trực tiếp khí đốt sang Trung Quốc thông qua tuyến thứ hai của đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) do Gazprom phát triển. Thông tin do nhiều nguồn tin nắm rõ tình hình tiết lộ với nhật báo kinh doanh Kommersant. 

Rosneft được cho là đang tìm cách xuất khẩu khí đốt từ các nguồn dự trữ nằm ở phía nam của lãnh thổ Krasnoyarsk và ở vùng Irkutsk. Hai khu vực này có trữ lượng khí đốt lần lượt là 1 nghìn tỉ mét khối và 0,5 nghìn tỉ mét khối.

Ngoài việc là công ty dầu khí lớn nhất của Nga, Rosneft còn là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ ba của nước này sau Gazprom và Novatek.

Giám đốc điều hành của Rosneft, ông Igor Sechin, đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12.2022, đề xuất đưa Rosneft trở thành nhà cung cấp khí đốt tiềm năng qua đường ống Sức mạnh Siberia 2, ngoài Gazprom, các nguồn thạo tin tiết lộ. 

Giám đốc điều hành của Rosneft đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề đường ống Sức mạnh Siberia 2. Ảnh: AFP

Rosneft hy vọng Điện Kremlin sẽ tính đến “khối lượng của các nhà sản xuất độc lập để đạt được hiệu quả tổng hợp trong việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt”.

Tổng thống Nga đã chỉ thị cho Phó Thủ tướng Alexander Novak giải quyết vấn đề với Rosneft và Gazprom vào tháng 12.2022. 

Đường ống Sức mạnh Siberia, đi vào hoạt động cuối năm 2019 sau 8 năm xây dựng, hiện được sử dụng để vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc theo thỏa thuận dài hạn song phương. Đường ống khổng lồ dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2025. Sức mạnh Siberia sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ mét khối khí đốt của Nga hàng năm, bắt đầu từ năm 2024.

Sức mạnh Siberia 2, tuyến thứ hai của đường ống, dự kiến đi vào hoạt động năm 2030. Đường ống mới sẽ kết nối các mỏ khí đốt ở phía tây và phía đông nước Nga để đưa khí đốt đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn