MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: AFP

Hành động gây hấn ở Biển Đông gây leo căng thẳng trong bối cảnh COVID-19

Ngọc Vân LDO | 07/05/2020 12:57

Ngoại trưởng Indonesia bày tỏ lo ngại các hoạt động gần đây ở Biển Đông gây leo thang căng thẳng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngày 6.5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ lo ngại về các hoạt động gần đây ở Biển Đông, lưu ý rằng những động thái này gây leo thang căng thẳng vào thời điểm thế giới đang nỗ lực chống lại dịch COVID-19.

CNA dẫn lời bà Marsudi phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm 6.5 cho biết Indonesia tiếp tục theo sát những diễn biến gần đây ở Biển Đông.

Bà Marsudi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.

Ngoại trưởng cũng kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

"Indonesia kêu gọi tất cả các bên liên quan tự kiềm chế, không có những hành động làm xói mòn sự tin tưởng lẫn nhau và làm leo thang căng thẳng trong khu vực" - Ngoại trưởng Marsudi nói và khẳng định rằng  Indonesia vẫn cam kết đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và đảm bảo thực thi, bất chấp các tình huống hiện tại của đại dịch COVID-19. 

"Indonesia tin rằng tình hình ổn định, đoàn kết trên Biển Đông có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Vì vậy, mặc dù đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để đảm bảo việc đạt được một COC hiệu quả, thực chất và khả thi" - Ngoại trưởng Marsudi khẳng định. 

Indonesia không phải là một quốc gia yêu sách ở Biển Đông nhưng trong những năm gần đây đã đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá quanh quần đảo Natuna.

Tháng 12 năm ngoái, các tàu Trung Quốc đã vào vùng biển Natuna khiến Indonesia phải triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta và triển khai tàu chiến cũng như máy bay chiến đấu tới khu vực này. Các tàu đã rời đi vào tháng 1 sau khi Tổng thống Joko Widodo đến thăm Natuna để khẳng định chủ quyền của Indonesia.

Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

Những hành động khiêu khích mới nhất ở Biển Đông trong thời gian gần đây là Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ra thông cáo về việc đặt danh xưng cho 80 thực thể ở Biển Đông.

Trung Quốc còn đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế Malaysia; công bố thành lập trung tâm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Subi, đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông...

Về những động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố phản đối mạnh mẽ, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và huỷ bỏ các quyết định sai trái.

Những hành động của Trung Quốc không chỉ gặp phải phản ứng mạnh từ các nước liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Malaysia mà còn gánh chịu sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.

Ngày 5.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông nhằm đánh lạc hướng về COVID-19. Tờ Financial Express dẫn lời Bộ trưởng Esper phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc: "Chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành xử hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc đe dọa tàu của hải quân Philippines cho tới đâm chìm tàu cá của Việt Nam, đe dọa, ngăn cản các quốc gia khác không được tham gia thăm dò, phát triển các dự án dầu khí ngoài khơi".

Tuần trước, Hải quân Mỹ đã đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa - quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. 

"Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa chưa từng có đối với tự do trên biển, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không và quyền đi lại vô hại của tất cả tàu thuyền" - CNA dẫn tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết. 

Tháng trước, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi bình tĩnh ở Biển Đông và tái khẳng định cam kết của Malaysia đối với hòa bình ở vùng biển này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn