MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bức vẽ trong hang động thường có niên đại ít nhất 44.000 năm. Ảnh: Khảo cổ Tây Ban Nha

Hé lộ cách người tiền sử chinh phục bóng tối để tạo tác phẩm nghệ thuật

Nguyễn Hạnh LDO | 22/06/2021 19:00

Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã tạo ra những ngọn đuốc và đèn thời tiền sử để xem chúng sẽ hoạt động như thế nào trong các hang động chật hẹp - nơi xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới.

Theo Daily Mail, các bức vẽ trong hang động có niên đại ít nhất 44.000 năm, chúng là một trong những hình thức kể chuyện và hình thức văn hóa sớm nhất được biết đến của loài người.

Nhưng làm thế nào mà tổ tiên nguyên thủy của chúng ta tạo ra những cảnh tượng đầy màu sắc, chi tiết trên các bức tường hang động trong bóng tối, không có ánh sáng nhân tạo hoặc thậm chí là diêm vẫn luôn là một câu hỏi lớn.

Diego Garate - một nhà nghiên cứu từ Đại học Cantabria ở Tây Ban Nha - nói với CNN: "Chúng tôi thực sự quan tâm đến tất cả các quy trình thực hiện đằng sau những hình ảnh này. Họ có thể tạo ra các bản vẽ ngay tại cửa hang mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Nhưng họ đã làm điều đó ở những nơi rất sâu và chật hẹp bên trong các hang động".

Nhà nghiên cứu Garate cho hay, những tàn tích than tại các địa điểm nghệ thuật trên đá có thể cho chúng ta biết rất nhiều về cách các nghệ sĩ làm việc, nhưng những di tích này thường bị bỏ qua và không được nghiên cứu chi tiết.

Dựa vào các bằng chứng khảo cổ học được tìm thấy trong các hang động thời kỳ đồ đá cũ, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các phiên bản của riêng họ về những ngọn đuốc và đèn mỡ thời tiền sử. Sau đó, nhóm nghiên cứu kiểm tra xem chúng hoạt động tốt như thế nào bên trong hang động Isuntza 1 ở vùng Basque của Tây Ban Nha.

Các nhà khảo cổ đã đốt một ngọn lửa nhỏ bằng gỗ bách xù khô, gỗ sồi và vỏ cây bạch dương xanh để xem nó sẽ tạo ra ánh sáng như thế nào. Ảnh: Khảo cổ Tây Ban Nha

Họ tạo ra 5 ngọn đuốc gỗ bằng cách kết hợp gỗ bách xù khô, vỏ cây bạch dương, cây thường xuân, nhựa thông và tủy từ xương hươu; 2 chiếc đèn dầu bằng đá chứa đầy gỗ bách xù khô, nhựa cây và tủy xương của bò; và một lò sưởi nhỏ bằng gỗ bách xù khô, gỗ sồi và vỏ cây bạch dương xanh.

Họ phát hiện những ngọn đuốc gỗ hoạt động tốt nhất để khám phá hang động hoặc băng qua không gian rộng hơn vì chúng chiếu ánh sáng theo mọi hướng - gần như lên đến 6m. Ngọn đuốc dễ vận chuyển và sáng hơn đèn dầu mỡ gấp 5 lần.

Ngọn đuốc cháy ngắn nhất kéo dài trong 21 phút, ngọn đuốc lâu nhất là 61 phút. Nhưng chúng tạo ra một khối lượng lớn khói và thường cần phải vẫy qua lại để tiếp tục thắp sáng.

Những chiếc đèn dầu bằng đá chứa đầy gỗ bách xù khô, nhựa cây và tủy xương của bò. Ảnh: Khảo cổ Tây Ban Nha

Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Tel Aviv cho thấy các nghệ sĩ thời kỳ đồ đá cũ bị rơi vào tình trạng thiếu ôxy bởi không gian quá sâu và chật hẹp. Ngoài khả năng gây tử vong, tình trạng thiếu ôxy có thể dẫn đến cảm giác hưng phấn, ảo giác và cảm thấy cơ thể như đang lơ lửng hoặc bay.

Việc các nghệ sĩ vẽ tranh trong tình trạng như vậy khiến các nhà nghiên cứu suy luận rằng các bức tranh là một cách giao tiếp với các vị thần hoặc các thế giới khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn