MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa New Shepard của Blue Origin là phương tiện tái sử dụng, có thể đạt tới độ cao 103km. Ảnh: Blue Origin

Hé lộ điều đặc biệt về tên lửa của Jeff Bezos khởi hành hôm nay

Bảo Châu LDO | 20/07/2021 07:43
Tên lửa New Shepard của tỉ phú Jeff Bezos phóng vào không gian hôm nay (20.7) khá sạch so với các phương tiện phóng khác.

Live Science đưa tin, tên lửa New Shepard của Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, thuộc sở hữu của tỉ phú Jeff Bezos, sẽ khởi hành chuyến bay đầu tiên vào rìa không gian trong hôm nay (20.7).

Khi đề cập đến vấn đề thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, New Shepard nằm trong số những phương tiện phóng sạch nhất so với mặt bằng chung, đặt trong bối cảnh những lo ngại về biến đổi khí hậu từ các tàu vũ trụ dưới quỹ đạo có thể tăng lên khi các chuyến bay tương tự cất cánh trong tương lai gần.

Tên lửa không hẳn là công nghệ xanh và tác động môi trường tổng thể của chúng vẫn đang được nghiên cứu. Phần lớn các vụ phóng tên lửa tạo ra những thứ như hơi nước, carbon dioxide (CO2), bồ hóng và oxit nhôm, tùy thuộc vào loại nhiên liệu mà chúng sử dụng, theo lý giải từ trang web Everyday Astronaut.

New Shepard của Blue Origin dựa trên sự kết hợp hydro lỏng và ôxy lỏng trong động cơ để tạo ra lực đẩy, đồng nghĩa với "khí thải chính sẽ là nước và một số sản phẩm đốt cháy nhỏ, và hầu như không có CO2'' - Darin Toohey, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Colorado cho biết.

Ông Toohey nói thêm, nước trong ống xả tên lửa có thể làm tăng số lượng mây trong khí quyển, trong đó có cả những đám mây xà cừ óng ánh thường thấy vào lúc hoàng hôn sau vụ phóng. Những thứ này có thể tác động đến các tầng khí quyển phía trên là tầng trung lưu và tầng điện li, nhưng vì số lượng vụ phóng tên lửa hiện tại quá thấp nên chúng không được tính đến khi lập mô hình khí hậu.

Điều này có thể thay đổi khi tần suất phóng tăng lên trong tương lai gần và một số nhà khoa học đã kêu gọi nghiên cứu thêm về tác động tiềm tàng từ các chuyến bay như vậy.

Theo Everyday Astronaut, ô nhiễm CO2 từ tàu vũ trụ vẫn không đáng kể. Tên lửa chiếm khoảng 0,0000059% tổng lượng khí thải CO2 vào năm 2018. Để so sánh, cùng trong năm đó, ngành hàng không chiếm khoảng 2,4% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Nhưng trong khi băng và mây có thể phản xạ ánh sáng mặt trời trở lại không gian và làm giảm nhiệt toàn cầu, thì hơi nước là một khí nhà kính mạnh hơn CO2, và hơi nước đó tồn tại trong khí quyển càng lâu, nó sẽ càng đốt nóng hành tinh Trái đất của chúng ta.

"Hơi nước bốc lên ở các phần cao hơn của khí quyển không hoàn toàn vô hại. Nhưng vì New Shepard sẽ ngắt động cơ tương đối sớm trong chuyến bay, nên lượng nước thải ra ở độ cao đó là rất ít" - tác giả Florian Kordina của Everyday Astronaut cho hay.

Theo chuyên gia, mối quan tâm chính khi nói đến các chuyến bay tên lửa là các hạt nhỏ như bồ hóng và oxit nhôm. Những thứ này có thể có tác động không cân xứng đến bầu khí quyển, chỉ một số lượng rất nhỏ có thể tạo ra tác động lớn.

Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu khác đã lập mô hình tác động của bồ hóng thải ra khí quyển từ 1.000 chuyến bay tư nhân dưới quỹ đạo mỗi năm và phát hiện ra rằng chúng có thể làm tăng nhiệt độ ở Bắc Cực và Nam cực lên 1 độ C và giảm mức băng biển vùng cực xuống khoảng 5% đến 15%.

Tuy nhiên, động cơ của New Shepard không tạo ra nhiều hạt, nhà khoa học Toohey cho biết, đồng thời nhận định: "Nó có thể là một trong những tên lửa sử dụng nhiên liệu sạch nhất trong bối cảnh đó".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn