MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2020 có xu hướng tăng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Hé lộ nghịch lý chi tiêu quân sự toàn cầu giữa đại dịch COVID-19

Phương Linh LDO | 26/04/2021 09:55
Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2020 tăng bất chấp tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 2,6% lên 1.981 tỉ USD vào năm 2020, trong khi GDP toàn cầu giảm 4,4%.

Diego Lopes da Silva - một trong những tác giả của báo cáo - nhận định, đây là một diễn tiến bất ngờ, bởi "do đại dịch, mọi người có thể nghĩ rằng chi tiêu quân sự sẽ giảm''.

"Nhưng có thể kết luận chắc chắn rằng, COVID-19 không có tác động đáng kể đến chi tiêu quân sự toàn cầu, ít nhất là vào năm 2020" - Lopes da Silva nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo về mặt bản chất, các quốc gia sẽ cần thêm thời gian để ''thích nghi với cú sốc''. Thực tế là chi tiêu quân sự tiếp tục tăng trong năm suy thoái kinh tế đồng nghĩa với việc "gánh nặng quân sự", hay tỉ lệ chi tiêu quân sự trong tổng GDP, cũng tăng theo.

Tỉ trọng tổng thể năm 2020 đã tăng từ 2,2% lên 2,4%. Đây là mức tăng lớn nhất hàng năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Chung xu hướng đó, ngày càng có nhiều quốc gia thành viên NATO đạt được mục tiêu theo hướng dẫn của Liên minh là chi ít nhất 2% GDP cho quân đội, với 12 quốc gia thực hiện điều này vào năm 2020 so với 9 quốc gia vào năm 2019.

Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu cho thấy, đại dịch đã ảnh hưởng đến một số quốc gia.

Các nước như Chile và Hàn Quốc đã công khai quyết định tái phân bổ các quỹ quân sự để đối phó với đại dịch.

"Các quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil và Nga, tuy không công bố rõ rằng khoản tiền này đã được phân bổ lại vì lý do đại dịch, nhưng họ đã chi ít hơn đáng kể so với ngân sách ban đầu dành cho năm 2020" - Lopes da Silva nói.

Một cách phản ứng khác, đơn cử như Hungary, là tăng chi tiêu quân sự "như một phần của gói kích thích để đối phó với đại dịch".

Lopes da Silva lưu ý, nhiều quốc gia đã phản ứng với cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009 bằng cách áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, nhưng "khoảng thời gian này có thể không đúng như vậy".

Hai quốc gia chi tiêu cho quân sự nhiều nhất thế giới cho đến nay là Mỹ và Trung Quốc, trong đó Washington chiếm 39% tổng chi tiêu và Bắc Kinh chiếm 13%.

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng lên song song với tình hình phát triển của nền kinh tế và đã tăng trong 26 năm liên tiếp, đạt đến mức ước tính 252 tỉ USD vào năm 2020.

Mỹ cũng tăng chi tiêu năm thứ 3 liên tiếp vào năm 2020, sau 7 năm cắt giảm. Theo nhận định của bà Alexandra Marksteiner - một tác giả khác của báo cáo: “Điều này phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng khi nhận thấy các mối đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc và Nga, cũng như nỗ lực của chính quyền Trump trong việc củng cố những gì họ coi là quân đội Mỹ đang suy yếu”.

Riêng với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, tác giả Lopes da Silva lưu ý "chính quyền mới của ông Biden không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ giảm chi tiêu quân sự".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn