MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đích thân phê duyệt vụ FBI khám nhà riêng của cựu Tổng thống Donald Trump ở bang Florida. Ảnh: AFP

Hé lộ nhiều tình tiết về cuộc khám nhà cựu Tổng thống Donald Trump

Thanh Hà LDO | 13/08/2022 07:09

Cuộc đột kích tư gia của cựu Tổng thống Donald Trump là một phần trong nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm tìm kiếm các tài liệu liên quan tới một số chương trình được xét là cực kỳ mật do Mỹ kiểm soát, một nguồn tin tiết lộ với New York Times. 

Bộ trưởng Tư pháp đích thân phê duyệt

Ngày 11.8, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick B.Garland công khai cho biết ông đã phê duyệt việc cho FBI khám xét nhà của cựu Tổng thống Donald Trump ở Florida. Ông Garland đích thân phê duyệt cuộc đột kích này sau nỗ lực để lấy lại tài liệu mà ông Trump đưa khỏi Nhà Trắng theo cách thức ít xâm phạm hơn đã không thể đạt được. 

Bộ trưởng Tư pháp Garland không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng các nguồn tin tiết lộ, giới chức điều tra lo ngại về những tài liệu trong "các chương trình tiếp cận đặc biệt", cách định nghĩa được xem là cao hơn cả "tối mật", thường được dành cho các hoạt động cực kỳ nhạy cảm do Mỹ thực hiện ở nước ngoài.

Các quan chức Mỹ lo ngại việc để những tài liệu có tính chất như vậy ở tư gia ông Donald Trump khiến các đối thủ nước ngoài có thể tìm cách thu thập, theo một nguồn tin khác. 

Trong thông báo kéo dài 2 phút với báo giới tại trụ sở Bộ Tư pháp, ông Garland cho biết, quyết định phá vỡ sự im lặng và tuyên bố công khai vì ông Trump đã công khai vụ đột kích. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cũng viện dẫn bối cảnh liên quan của vụ việc và "mối quan tâm đáng kể cho công chúng trong vấn đề này".

Theo New York Times, việc khám xét tư gia của ông Donald Trump tại Mar-a-Lago là diễn biến đỉnh điểm của loạt các cuộc điều tra khác nhau tập trung vào việc liệu cựu Tổng thống Mỹ có mang đi một cách bất hợp pháp các tài liệu nhạy cảm từ Nhà Trắng khi đã kết thúc nhiệm kỳ và không trả lại tất cả tài liệu, bao gồm cả tài liệu mật, khi Cục Lưu trữ Quốc gia và Bộ Tư pháp yêu cầu ông trả lại hay không. 

Ba nguồn tin tiết lộ, nhiều tháng trước khi FBI đến Mar-a-Lago, vào mùa xuân năm nay, ông Trump đã nhận được trát hầu tòa để tìm kiếm các tài liệu mà các nhà điều tra liên bang tin rằng ông đã không nộp vào thời điểm trả lại 15 thùng tài liệu cho cơ quan lưu trữ. Sự tồn tại của trát hầu tòa này giúp xác định chuỗi sự kiện dẫn tới cuộc đột kích tư gia của ông Trump và cho thấy Bộ Tư pháp đã thử các phương pháp để tìm tài liệu mà không cần lệnh khám xét trước khi để đặc vụ FBI đột kích bất ngờ vào Mar-a-Lago.

Ngày 11.8, ông Garland cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu có thể, thông lệ tiêu chuẩn là tìm kiếm các phương tiện ít xâm phạm hơn”. Điều này cho thấy các biện pháp khác đã được thử trước khi cuộc đột kích diễn ra. 

Hai nguồn tin khác cho hay, những tài liệu mật mà các nhà điều tra tin rằng vẫn còn ở Mar-a-Lago được xem là rất nhạy cảm và liên quan đến an ninh quốc gia, đến mức Bộ Tư pháp phải hành động. 

Ông Trump có quyền công khai lệnh khám xét

Lệnh khám xét tư gia của ông Donald Trump rất rộng, cho phép các đặc vụ điều tra tất cả các khu vực của Mar-a-Lago, nơi có thể đã lưu trữ các tài liệu mật. Các đặc vụ đã kiểm tra nhiều nơi, trong đó có văn phòng của ông Trump và ít nhất là một phần nơi ở của ông tại Mar-a-Lago. Các nguồn tin tiết lộ, sau nhiều giờ tìm kiếm, các đặc vụ rời đi với một số hộp đựng. FBI có văn bản dài 2 trang về những vật dụng được mang đi. 

Được biết, khi rời Nhà Trắng, ông Trump đã mang theo những chiếc hộp đựng giấy tờ, cùng với các vật dụng như quả bóng golf... Sau khi ông Trump rời nhiệm sở, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã nỗ lực trong nhiều tháng để lấy lại các tài liệu, thông qua các cuộc thảo luận kéo dài với đại diện của ông để những vật dụng đó được lưu trữ đúng cách theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống Mỹ năm 1978. Khi nhận 15 hộp vật dụng trong năm nay, cơ quan lưu trữ quốc gia phát hiện một số trang của tài liệu mật và chuyển thông tin cho Bộ Tư pháp. Các quan chức sau đó tin rằng còn tài liệu mật khác vẫn còn được giữ ở Mar-a-Lago.

Theo Washington Post, ông Donald Trump và các đồng minh từ chối chia sẻ công khai bản sao của lệnh khám xét. Thẩm phán đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp thảo luận với các luật sư của ông Trump và thông báo cho tòa án trước 15h chiều 12.8, giờ địa phương (2h ngày 13.8 giờ Hà Nội) về việc ông Trump có phản đối quyết định công khai lệnh khám xét hay không. 

Sau khi Bộ trưởng Garland phát biểu, ông Trump có bài đăng trên mạng xã hội tiếp tục bày tỏ phản đối cuộc khám xét Mar-a-Lago của FBI. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ không ra tín hiệu nào về việc ông có phản đối việc công khai nội dung lệnh khám xét hay không. 

Nếu được công khai, lệnh khám xét này có thể sẽ tiết lộ một mô tả chung về những tài liệu mà các đặc vụ đang tìm kiếm ở Mar-a-Lago cũng như có khả năng cả nội dung của các tài liệu liên quan. Danh sách các vật phẩm mà đặc vụ FBI lấy đi khỏi tư gia của ông Trump cũng sẽ được công bố. Tuy nhiên, thông tin chi tiết có thể không đầy đủ, đặc biệt nếu tài liệu được thu thập được bao gồm tài liệu mật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn