MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi gặp gỡ người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Mohammad Eslami tại Tehran, Iran, ngày 12.9. Ảnh: AEOI

Hé lộ nội dung thỏa thuận mới đạt được giữa IAEA và Iran

Phương Linh LDO | 13/09/2021 10:14
IAEA và Iran đã đạt được thỏa thuận vào ngày 12.9 để giải quyết các ''vấn đề cấp bách'' giữa hai bên.

Reuters đưa tin, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã đạt được thỏa thuận với Iran trong chuyến đi tới Tehran cuối tuần qua. Ông Grossi gọi đây là một thỏa thuận "mang tính xây dựng" trước thềm cuộc họp của Hội đồng thống đốc 35 quốc gia của IAEA sẽ diễn ra tuần này.

Mặc dù những cuộc đàm phán đã dừng lại kể từ tháng 6, các cường quốc phương Tây vẫn đang thúc giục Iran quay trở lại bàn đàm phán và cho biết thời gian không còn nhiều vì chương trình hạt nhân của nước này đang tiến triển vượt quá giới hạn cho phép theo Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) mà quốc gia Hồi giáo ký kết với các cường quốc năm 2015.

Trong cuộc họp báo tại sân bay Vienna, Áo, ngay sau chuyến đi đến Iran, Tổng giám đốc IAEA phát biểu về thỏa thuận vừa đạt được: "Đây không phải và không thể là một giải pháp lâu dài. Nhưng đối với tôi, điều này ít nhất cũng được xem là một điểm dừng, một biện pháp kéo dài thời gian cho ngoại giao''.

Ông nói thêm: "Chúng tôi đã xoay sở để khắc phục vấn đề cấp bách nhất: Nguy cơ gián đoạn dữ liệu mà chúng tôi phải đối mặt cho tới ngày hôm qua. Hiện giờ chúng tôi đã có một giải pháp".

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi (trái) và người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) Mohammad Eslami tại Tehran, Iran, ngày 12.9. Ảnh: IAEO

Trong khi đó, ông Enrique Mora - điều phối viên của các cuộc đàm phán hạt nhân hiện đang bị đình trệ, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) - cũng nói trên Twitter rằng thỏa thuận IAEA - Iran "mang lại không gian cho ngoại giao", nhấn mạnh điều quan trọng là các cuộc đàm phán phải được nối lại càng sớm càng tốt.

Thỏa thuận JCPOA năm 2015 đã đưa ra việc giám sát các khu vực bổ sung trong chương trình hạt nhân của Iran ngoài những khu vực được giám sát theo nghĩa vụ cốt lõi mà Iran cần phải thực hiện đối với IAEA. Hồi tháng 2, Iran từ bỏ việc giám sát, bao gồm theo dõi các khu vực chế tạo các bộ phận cho máy ly tâm - có tác dụng làm giàu uranium.

Các thiết bị giám sát phải được bảo dưỡng định kỳ 3 tháng một lần để đảm bảo thẻ nhớ thiết bị không bị đầy và không có khoảng trống trong quá trình giám sát. Với mốc thời gian 3 tháng đã trôi qua hơn hai tuần trước, thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh thời gian không còn nhiều.

Ông Grossi cho biết, thỏa thuận đã đảm bảo cho IAEA những phương tiện kỹ thuật cần thiết.

Cũng theo ông Grossi, việc bảo dưỡng thiết bị giám sát sẽ bắt đầu "trong vòng vài ngày tới", các camera bị hư hỏng và bị loại bỏ khỏi khu vực máy ly tâm do nghi ngờ bị phá hoại hồi tháng 6 cũng sẽ được thay thế. 

Cuộc gặp gỡ giữa hai bên diễn ra vào ngày 12.9 đã đạt được một thỏa thuận. Ảnh: IAEO

Ngoài ra, thỏa thuận IAEA - Iran không giúp giải quyết được thêm vấn đề nào khác giữa hai bên, từ việc Tehran không giải thích được dấu vết uranium được tìm thấy tại 3 địa điểm cũ chưa được khai báo. Nhưng Tổng giám đốc IAEA cho biết Iran đã mời ông sớm quay trở lại để gặp gỡ "giới chức cấp cao nhất" ở nước này.

"Điều này có thể mất thời gian. Tuy không phải thành quả lớn nhưng tốt hơn nhiều so với bất kỳ giải pháp thay thế nào" - ông Grossi nói về những nỗ lực để giải quyết các vấn đề hạt nhân với Iran.

Các nhà ngoại giao cho hay Mỹ và các đồng minh Châu Âu vẫn chưa quyết định liệu có đưa ra một nghị quyết chống lại Iran tại cuộc họp Hội đồng Thống đốc IAEA hay không. Cuộc họp bắt đầu diễn ra từ 13.9.

Một nhà ngoại giao tại Vienna nhận định: “Rõ ràng hiện nay việc đưa ra một nghị quyết là ít có khả năng xảy ra”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn