MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chân dung 3 phi hành gia tham gia sứ mệnh mặt trăng trên con tàu Apollo 14 của NASA, Stuart A Roosa ở ngoài cùng bên phải. Ảnh: NASA/Getty

Hé lộ số phận hạt giống du hành mặt trăng cùng Apollo14 của NASA

Phương Linh LDO | 22/04/2021 13:00
50 năm trước, tàu Apollo 14 của NASA đã hoàn thành sứ mệnh lên mặt trăng, mang theo 500 hạt giống cây.

Theo CNN, Stuart Roosa là một cựu lính cứu hỏa nhảy dù của Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ, đồng thời là một trong ba phi hành gia NASA tham gia sứ mệnh lên mặt trăng bằng tàu Apollo 14 và trở về Trái đất vào tháng 9.1971.

Trong hành trình này, anh đã mang theo 500 hạt giống cây - gồm cây thông loblolly, cây sung dâu sycamore, cây gỗ đỏ và cây linh sam Douglas - niêm phong kỹ trong các túi nhựa nhỏ, đặt vào một hộp sắt trong hành lý cá nhân. Đây là một phần của một thí nghiệm quan sát xem hạt giống phản ứng như thế nào với môi trường không gian.

Khi trở về Trái đất, các hạt giống đã được cơ quan Lâm nghiệp Mỹ tặng lại cho các tổ chức lâm nghiệp tiểu bang để cho nảy mầm. Cơ quan này cũng đã tiến hành nghiên cứu cấu trúc di truyền của các hạt giống, tìm hiểu xem chúng có nảy mầm và phát triển bình thường hay không.

Các nhà khoa học đã rất háo hức nghiên cứu về các hạt giống du hành vũ trụ, vì vào thời điểm đó có rất ít thí nghiệm về tác động của không gian lên các mẫu thực vật.

Trồng cây kỷ niệm 40 năm chương trình Apollo của NASA ngày 22.4.2009. Cây được trồng từ hạt giống thế hệ thứ 2 của hạt giống du hành mặt trăng trên Appllo 14. Ảnh: NASA/Getty

Theo thông tin từ NASA, được biết đến với cái tên "Cây Mặt Trăng", các cây con đã được trồng ở nước Mỹ và khắp thế giới. Tuy không có hệ thống giám sát tiến trình phát triển của các cây trồng này, nhưng NASA vẫn tiến hành theo dõi khoảng 60 cây trong số đó - chủ yếu ở Mỹ và một số ở Brazil, Nhật Bản và Thụy Sĩ.

Riêng tại Mỹ, một cây thông loblolly đã được trồng tại Nhà Trắng. Các cây khác cũng được trồng tại Quảng trường Washington ở Philadelphia, trong Rừng Hữu nghị Quốc tế ở Valley Forge, cùng các trường đại học và trung tâm NASA khác nhau.

Cây sung dâu sycamore tại Đại học bang Mississippi năm 1975, nảy mầm từ hạt giống du hành mặt trăng trong sứ mệnh của NASA. Ảnh: NASA

Kể từ lần đầu tiên đó, hạt giống tiếp tục được mang theo trong các chuyến du hành vào vũ trụ và nảy mầm thành công. Vào năm 2015, 2kg hạt giống rau đã trải qua 6 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế và được trồng trở lại Trái đất thành công. Tuy nhiên, chúng phát triển chậm hơn so với những hạt giống chưa từng rời khỏi Trái Đất.

Vương quốc Anh cũng là quê hương của 7 cây táo đã thực hiện sứ mệnh lên trạm vũ trụ, theo Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh.

Trong một tuyên bố, đại diện cơ quan này cho biết: "Việc gửi hạt giống vào không gian giúp chúng ta hiểu được tác động của môi trường đặc biệt đối với cấu tạo sinh học của hạt. Hiểu được tác động của không gian đối với hạt chưa nảy mầm sẽ rất quan trọng đối với các sứ mệnh không gian trong tương lai, nhất là khi chúng ta tìm cách duy trì sự sống của con người bên ngoài trái đất".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn