MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu thám hiểm sao Hỏa Chúc Dung trong sứ mệnh độc lập đầu tiên của Trung Quốc trên hành tinh đỏ. Ảnh: CNSA/Tân Hoa Xã

Hé lộ thêm thông tin nguyên mẫu trực thăng sao Hỏa của Trung Quốc

Phương Linh LDO | 08/09/2021 15:20
Trung Quốc tiếp tục phát triển mẫu trực thăng sao Hỏa hướng đến khả năng hoạt động hiệu quả và lâu dài trong môi trường hành tinh đỏ.

Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, nguyên mẫu trực thăng không người lái chuyên dụng trên sao Hỏa đang được Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu phát triển, nhằm cải thiện khả năng chụp ảnh và phân tích cảnh quan trong sứ mệnh thám hiểm hành tinh đỏ trong tương lai.

Nhà khoa học chính của dự án cho biết, máy bay trực thăng này sẽ đóng vai trò như một hoa tiêu dẫn đường cho một tàu thám hiểm trong quá trình khám phá bề mặt sao Hỏa.

Trực thăng không người lái sẽ có thể chụp ảnh và di chuyển vài trăm mét mỗi chuyến bay. Thiết bị này đồng thời có thể giúp tàu thám hiểm định vị và di chuyển tới các địa điểm cảnh quan với tốc độ và độ chính xác cao hơn, gia tăng hiệu quả hoạt động, theo lời nhà khoa học Bian Chunjiang của Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia Trung Quốc (NSSC).

Theo hình ảnh do NSSC công bố, nguyên mẫu máy bay trực thăng không người lái của Trung Quốc có 2 cánh quạt, một đế cảm biến và camera cùng 4 chân mảnh.

Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia Trung Quốc phát triển một nguyên mẫu trực thăng không người lái để hoạt động trên sao Hỏa. Ảnh: NSSC

Nhà khoa học Bian của NSSC cho biết, các nỗ lực nghiên cứu sâu hơn sẽ tập trung vào khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường sao Hỏa của trực thăng.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang xem xét sử dụng năng lượng mặt trời hoặc sạc không dây để cung cấp điện cho hoạt động của trực thăng sao Hỏa, hoặc đồng thời cả hai.

Giáo sư vật lý thiên văn Richard de Grijs của Đại học Macquarie ở Australia lý giải: “Tấm năng lượng mặt trời gắn trên đầu trực thăng không người lái sẽ làm cho phương tiện linh hoạt hơn, nhưng nó có thể bị bám bụi và mất hiệu quả, hoặc thậm chí có thể hư hỏng nếu lớp bụi phủ tích tụ quá dày, chẳng hạn như sau một cơn bão bụi''.

Giáo sư De Grijs trước đây từng làm việc cho Viện nghiên cứu vật lý và vật lý thiên văn Kavli thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông cho hay: “Phương pháp sạc không dây sẽ yêu cầu máy bay không người lái quay trở lại tàu mẹ để lấy năng lượng. Điều đó sẽ hạn chế phạm vi hoạt động và khiến trực thăng không người lái trở nên kém linh hoạt hơn trong trường hợp nó hạ cánh ở một vị trí quá xa tàu mẹ và không còn đủ năng lượng để bay về''.

Tàu thám hiểm sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc. Ảnh: CNSA

Trung Quốc đã khởi động sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa độc lập đầu tiên vào năm 2020 và dự định lấy mẫu từ hành tinh này vào năm 2030, trong khi sẽ cử các phi hành gia đến đó để thăm dò vào năm 2033.

Tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc tuần trước đánh dấu ngày hoạt động thứ 100 trên sao Hỏa.

Tuổi thọ của con tàu được thiết kế cho 90 ngày trên sao Hỏa, hoặc khoảng 92 ngày trên Trái đất. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng tàu sẽ ngừng hoạt động sau ngày đó.

Phát biểu trên Đài truyền hình CCTV, nhà thiết kế trưởng của dự án tàu thăm dò Chúc Dung nhận định: “Đánh giá về hiệu suất của Chúc Dung trên sao Hỏa, tôi nghĩ nó có thể tiếp tục làm được nhiều việc hơn, đi xa hơn và thu thập được nhiều dữ liệu nghiên cứu khoa học hơn''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn