MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống dẫn khí Nga - Trung Quốc ở Hắc Long Giang. Ảnh minh họa Xinhua

Hệ quả môi trường không ngờ từ siêu đường ống dẫn dầu Nga - Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 02/07/2024 17:32

Dự án đường ống khổng lồ vận chuyển dầu thô nóng giữa Nga và Trung Quốc đang dần làm suy giảm các vùng đất đóng băng vĩnh cửu, làm tăng rủi ro địa chất.

Dự án đường ống dẫn dầu thô dài 1.030 km từ Skovorino ở vùng Amur viễn đông của Nga đến Linyuan ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc đã vận chuyển hàng triệu tấn dầu thô mỗi năm kể từ khi đi vào vận hành vài năm trước.

Đường ống CRCOP I và II (Đường ống dẫn dầu thô Trung Quốc - Nga) chủ yếu chạy dưới lòng đất trên hàng trăm km vùng đất đóng băng vĩnh cửu và mặt đất đóng băng theo mùa. Nhưng để vận chuyển dầu thô qua môi trường lạnh giá, hydrocarbon lỏng phải được giữ ở nhiệt độ trên mức đóng băng.

SCMP thông tin, các nhà nghiên cứu tại Đại học Viện Khoa học Trung Quốc (UCAS) nhận định, việc vận chuyển này đang gây ra những hệ quả môi trường đáng chú ý. Theo thời gian, đường ống dẫn dầu ấm nóng hơn đã làm tan lớp phía trên của băng vĩnh cửu ở miền bắc Trung Quốc.

Nghiên cứu chỉ ra, việc lớp băng vĩnh cửu tan dần đi có thể dẫn đến các hiểm họa địa chất và thảm họa môi trường.

Đường ống CRCOP I và II lần lượt đi vào hoạt động năm 2011 và 2018. Hệ thống này là nhánh của đường ống dẫn dầu thô Đông Siberia - Thái Bình Dương và có công suất vận chuyển hàng năm là 30 triệu tấn dầu thô.

Hai đường ống này trải dài trên 441 km vùng đất đóng băng vĩnh cửu và 512 km vùng đất đóng băng theo mùa.

Đường ống dẫn dầu thô dài 1.030 km từ Skovorino ở vùng Amur viễn đông của Nga đến Linyuan ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình SCMP

Các nhà nghiên cứu cho hay, một số lớp băng vĩnh cửu có mật độ băng dày đặc nhưng không ổn định và dễ bị tổn thương bởi hoạt động của con người.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, việc thiếu lớp cách nhiệt bao phủ các đường ống đã dẫn đến sự mở rộng của Talik - lớp đất không đóng băng quanh năm ở các vùng đóng băng vĩnh cửu - cũng như dẫn tới nước tích tụ trong các ao xung quanh đường ống.

Băng tan cũng dẫn đến hiện tượng lún bề mặt và làm chìm các đường ống. Các nhà nghiên cứu cho biết CRCOP I và II hiện đang chìm với tốc độ lần lượt là 0,2 m và 0,45 m mỗi năm.

Kế hoạch phát triển đường ống dẫn khí và dẫn dầu của Nga - Trung Quốc cũng làm tăng thêm mối lo ngại. Nga đã đàm phán trong nhiều năm để xây dựng đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 vận chuyển khí đốt Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

Bản tin của Reuters lưu ý, các đường ống dẫn khí đốt có nhiệt độ thấp hơn so với các đường ống dẫn dầu. Tuy nhiên, tháng trước Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, một đường ống dẫn dầu có thể được Nga - Trung Quốc xây dựng dọc theo đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2.

Từ năm 1971 đến năm 2016, Mông Cổ đã mất khoảng 33% diện tích băng vĩnh cửu do biến đổi khí hậu. Theo Thông tấn xã Quốc gia Mông Cổ, các vùng băng vĩnh cửu hiện chỉ bao phủ khoảng 30% bề mặt lãnh thổ nước này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn