MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt. Ảnh: Thành Nam

Hiệp định Paris trong ký ức của bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam

Thanh Hà LDO | 18/01/2023 10:00

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27.1.1973. Đây được coi là chiến thắng vĩ đại không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam, những ký ức về thời điểm đó vẫn luôn được trân trọng. 

Kiên định lập trường Việt Nam thống nhất

Bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt chia sẻ, Paris là điểm tụ hội của rất nhiều người ủng hộ Việt Nam. 

“Năm 1968, rất nhiều sinh viên Pháp đã hô vang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh để ủng hộ Việt Nam, bởi vì đó là một cuộc đấu tranh chính nghĩa để chống lại chủ nghĩa đế quốc. Nếu như Việt Nam giành thắng lợi thì cũng là thắng lợi của Pháp và nhân dân toàn thế giới” - bà nói. 

Bà Helen Luc nhớ lại, trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, ông Lê Đức Thọ đã bày tỏ rõ lập trường. Lúc đó, ông Lê Đức Thọ cố tình ngồi gần cửa để giới báo chí có thể nghe được lập trường rằng Việt Nam phải thống nhất về một mối, phải được hòa bình. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger không muốn ông Lê Đức Thọ ngồi gần cửa để thông tin cho báo giới.

Bước tiến rất quan trọng

Trong khi đó, ông John McAuliff - nhà hoạt động chính trị - xã hội Mỹ, tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia - nhận định: “Hiệp định Paris, tuy không phải là bước đi cuối cùng, nhưng là một bước tiến rất quan trọng đóng góp vào gìn giữ và đem lại hòa bình cho Việt Nam”.

Ông cho rằng, Hiệp định Paris được ký kết cũng là “động lực đối với phong trào hòa bình, chống chiến tranh trên thế giới”. 

Cựu chiến binh Hải quân Mỹ John Terzano cho hay, một tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết, ông rời Việt Nam trên một tàu khu trục. 

Ông cảm thấy rất may mắn là thành viên của đoàn cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh vào năm 1981. Ông nhớ lại, đoàn tới Hà Nội một tuần trước lễ Giáng sinh và khi đi dạo, một người dân Việt Nam hỏi họ có phải cựu chiến binh Mỹ không. “Chúng tôi trả lời phải và họ nói: Ồ, chào mừng các ông đến Việt Nam” - ông John Terzano - người cùng với John Kerry và Bobby Muller là thành viên tích cực của tổ chức "Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam", đồng sáng lập tổ chức "Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam" và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam - kể lại. 

“Một hành động rất tử tế, tốt bụng và đầy tình bạn như thế làm chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi nhận ra rằng, cuộc chiến tranh này không thể làm gì tổn hại đến trái tim và khối óc Việt Nam. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam vẫn tiếp tục tiến lên. Chính những trái tim và tâm hồn Mỹ vẫn còn bị tóm giữ, còn bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh” - ông  John Terzano cho hay. 

Một người Mỹ khác, nhà báo Wilfred Buchett - người bất chấp khó khăn hiểm nguy, vượt suối trèo đèo, vượt dãy Trường Sơn để mang những thông tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đến với thế giới trong thời kỳ đó. 

Nhớ lại những ký ức về người cha thân yêu, ông George Buchett, con trai của nhà báo Wilfred Buchett, cho biết: "Cha tôi đã có những tác phẩm, bài báo được xuất bản về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, giúp cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn" về tình hình ở Việt Nam. 

Ông George Buchett kể, về Hiệp định Paris, cha ông rất tích cực đưa tin về hoạt động và đàm phán giữa hai bên từ Paris từ năm 1968. "Cha tôi sống và đưa tin từ Paris. Trước đấy, ông sống ở Campuchia nhưng quyết định chuyển sang sống và làm việc ở Paris để đưa tin. Cha tôi cũng đau đáu một điều là mong muốn đóng góp vào việc đem lại hòa bình ở Đông Dương" - ông nói. 

Nghệ sĩ người Mỹ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội chia sẻ thêm: "Tôi rất may mắn khi cha làm việc tại Việt Nam. Ông đã kể những câu chuyện, đã có những bài báo để chia sẻ về những gì đang thực sự diễn ra tại Việt Nam. Ông có cảm tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cuộc chiến chính nghĩa của Việt Nam. Đã rất nhiều lần ông nói về Bác Hồ, về Việt Nam, phản đối chủ nghĩa thực dân xâm lược, chủ nghĩa đế quốc".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn