MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Hiệp ước Biển cả củng cố hơn nữa bản Hiến pháp về đại dương

Thanh Hà LDO | 24/06/2023 06:51

Hiệp định về Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đa dạng Sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia - còn gọi là Hiệp định về Biển cả - được chính thức thông qua tại Hội nghị Liên chính phủ của Liên Hợp Quốc từ ngày 19-20.6 tại New York (Mỹ)...

Hiệp định sẽ củng cố hơn nữa Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - bản Hiến pháp về đại dương, khuôn khổ pháp lí toàn diện cho mọi hoạt động trên biển.

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - báo cáo của Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc tại Hội nghị Quốc gia thành viên Công ước Luật biển vừa qua kêu gọi “những nỗ lực khẩn cấp” để đối phó với tình trạng “sức khỏe của đại dương bị đe dọa nghiêm trọng".

UNCLOS có quy định về tự do đánh cá và tự do nghiên cứu khoa học biển tại biển cả, song chưa có quy định điều chỉnh về phân chia nguồn lợi là nguồn gene thu thập từ biển cả, chưa có cơ chế điều phối, kiểm soát các hoạt động trên biển cả nhằm bảo vệ nguồn gene này khỏi bị suy giảm, cạn kiệt. 

Hiệp định về Biển cả cụ thể hóa và phát triển Công ước Luật Biển trên khía cạnh này. Đây là hiệp định thứ ba thực thi UNCLOS (sau Hiệp định về đàn cá di cư và Hiệp định nhằm thực thi Phần XI của Công ước). Hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Luật Biển - bản Hiến pháp về đại dương, khuôn khổ pháp lí toàn diện cho mọi hoạt động trên biển.

Về nội dung chính của hiệp định, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu rõ, trên cơ sở nguyên tắc “nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại”, Hiệp định về Biển cả thiết lập khuôn khổ, phương thức chia sẻ lợi ích giúp cho các nước đang phát triển được chia sẻ công bằng lợi ích từ nguồn gene biển, bao gồm cả chuỗi thông tin số hóa nguồn gene biển (DSI). 

“Chia sẻ lợi ích” không chỉ đề cập đến lợi ích tài chính, mà còn mở ra cho các nước đang phát triển thêm cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học biển, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ. 

Hiệp định về Biển cả quy định về biện pháp phân vùng bảo tồn biển (ABMT), nhằm cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng bền vững những khu vực cần được bảo vệ.

Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá tác động môi trường cũng được kì vọng sẽ góp phần cân bằng giữa nhu cầu phòng ngừa tác hại do các hoạt động trên biển cả gây ra đối với đa dạng sinh học biển với nhu cầu khuyến khích nghiên cứu khoa học biển. Hiệp định cũng thành lập và vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết, Việt Nam mong muốn “trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn… tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”, theo Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Việt Nam cũng có nhu cầu tận dụng các biện pháp xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, cũng như nguồn lực tài chính của quỹ chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia để “tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến”, “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao”, từ đó “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học”, như các mục tiêu mà Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.

Sau khi Hiệp định về Biển cả được thông qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho hay, hiệp định sẽ mở kí trong vòng 2 năm tính từ ngày 20.9.2023. Hết thời hạn này, quốc gia có thể trở thành thành viên thông qua thủ tục gia nhập. Hiệp định sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi có 60 nước gia nhập, phê chuẩn, phê duyệt hoặc chấp thuận.

Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, để theo sát tiến trình, đóng góp vào thực thi đầy đủ và hiệu quả hiệp định, điều kiện tiên quyết đối với mỗi quốc gia là phải sớm trở thành thành viên hiệp định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn