MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) bắt tay với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev sau khi ký Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ năm 1987. Ảnh: AP.

Hiệp ước INF - "chốt hãm" chiến tranh hạt nhân chính thức bị khai tử

Thanh Hà LDO | 02/08/2019 07:30
Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước hạt nhân ký thời Chiến tranh Lạnh với Nga ngày 2.8, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987. Hiệp ước này cấm tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

Tuy nhiên, đầu năm nay, Mỹ và NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi triển khai một loại tên lửa hành trình mới - cáo buộc mà Mátxcơva đã bác bỏ. 

Mỹ tuyên bố có bằng chứng cho thấy Nga đã triển khai một số tên lửa 9M729 - hay tên lửa SSC-8 theo cách gọi của NATO.

"Chỉ có Nga chỉ chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ hiệp ước" - BBC dẫn lời Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Sáu (2.8). 

Trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn nhà nước Nga Ria Novsti, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận hiệp ước INF là "chính thức khai tử". 

Hãng thông tấn Tass của Nga dẫn một thông cáo ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Nga, trong đó chính thức xác nhận rằng hoạt động của Hiệp ước INF đã chính thức bị chấm dứt do sự khởi xướng của phía Mỹ. 

Hồi tháng 2, Tổng thống Donald Trump đã ra hạn chót ngày 2.8 để Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF nếu Nga không tuân thủ. Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ nghĩa vụ của Nga theo hiệp ước này. 

Đánh giá về những nguy cơ từ sự đổ vỡ của INF,  các nhà phân tích lo ngại việc này sẽ dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

"Hiện giờ khi hiệp ước đã chấm hết, chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển và triển khai vũ khí mới" -  Pavel Felgenhauer - nhà phân tích quân sự Nga chia sẻ với AFP. 

"Một chốt hãm vô giá với chiến tranh hạt nhân" đã bị mất, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lo ngại. Ông nói thêm rằng: "Mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo dường như sẽ tăng lên, không giảm bớt" và hối thúc các bên "tìm kiếm một thỏa thuận về một lộ trình chung mới cho kiểm soát vũ khí quốc tế". 

Theo CGTN, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 2.8, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc phản đối việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hậu quả nghiêm trọng của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn