MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh hoạ siêu tân tinh. Ảnh: Đại học Công nghệ Swinburne

Hiểu biết hiếm hoi về cái chết thảm khốc của ngôi sao khổng lồ ở vũ trụ

Khánh Minh LDO | 17/06/2021 15:46
Điều gì xảy ra nếu một vụ nổ siêu tân tinh xảy ra ngay bên cạnh một ngôi sao khác?

Những ngôi sao phồng lên được các nhà khoa học dự đoán là hiện tượng thường xuyên xảy ra trong vũ trụ. Các vụ nổ siêu tân tinh là cái chết thảm khốc của những ngôi sao lớn nặng gấp 8 lần Mặt trời của chúng ta.

Hầu hết những ngôi sao khổng lồ này được tìm thấy trong các hệ sao đôi, nơi mà hai ngôi sao quay quanh gần nhau, vì vậy có rất nhiều siêu tân tinh xuất hiện trong các hệ sao đôi. Sự hiện diện của một ngôi sao đồng hành cũng có thể ảnh hưởng lớn đến cách các ngôi sao phát triển và bùng nổ. Vì lý do này, các nhà thiên văn từ lâu đã tìm kiếm các ngôi sao đồng hành sau siêu tân tinh - một số ít được phát hiện trong vài thập kỷ qua và một số được phát hiện có nhiệt độ thấp bất thường.

Khi một ngôi sao phát nổ trong hệ sao đôi, các mảnh vỡ từ vụ nổ tấn công dữ dội vào ngôi sao đồng hành. Thông thường, chúng không có đủ năng lượng để làm hỏng toàn bộ ngôi sao, nhưng thay vào đó, nó làm nóng bề mặt của ngôi sao. Sau đó, sức nóng khiến ngôi sao phồng lên, giống như có một vết bỏng lớn trên da của bạn. Ngôi sao này có thể phồng lên, lớn hơn chính nó từ 10 đến 100 lần.

Ngôi sao phồng lên trông rất sáng và mát, điều này có thể giải thích tại sao một số ngôi sao đồng hành được phát hiện có nhiệt độ thấp. Trạng thái phồng rộp của nó chỉ tồn tại trong một thời gian thiên văn ngắn - sau vài năm hoặc vài thập kỷ, vết phồng rộp có thể "lành lại" và ngôi sao co lại trở lại hình dạng ban đầu.

Một nhóm nhà khoa học do nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Ryosuke Hirai Đại học Monash (Australia) dẫn đầu vừa công bố nghiên cứu mới, trong đó nhóm đã thực hiện hàng trăm mô phỏng máy tính để điều tra cách các ngôi sao đồng hành phồng lên, tùy thuộc vào tương tác của chúng với một siêu tân tinh. Nhóm nhận thấy rằng độ sáng của các ngôi sao phồng lên chỉ tương quan với khối lượng của chúng và không phụ thuộc vào cường độ tương tác với siêu tân tinh. Thời gian phồng lên cũng kéo dài hơn khi hai ngôi sao ở gần nhau hơn.

“Chúng tôi đã áp dụng kết quả của mình cho SN2006jc - siêu tân tinh có một ngôi sao đồng hành với nhiệt độ thấp. Nếu đây thực sự là một ngôi sao bị thổi phồng như chúng tôi tin, chúng tôi hy vọng nó sẽ nhanh chóng thu hẹp trong vài năm tới” - Hirai giải thích.

Số lượng các ngôi sao đồng hành được phát hiện sau siêu tân tinh đang tăng đều trong những năm qua. Nếu các nhà khoa học có thể quan sát một ngôi sao đồng hành bị phồng lên và co lại, thì những tương quan dữ liệu này có thể đo lường các đặc tính của hệ sao đôi trước vụ nổ - những hiểu biết này cực kỳ hiếm và quan trọng để hiểu được cách các ngôi sao lớn tiến hóa.

Hirai nói: “Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là không chỉ tìm ra các ngôi sao đồng hành sau siêu tân tinh mà còn phải theo dõi chúng trong vài năm đến nhiều thập kỷ để xem liệu nó có co lại hay không".

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn