MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hố đen vũ trụ không “phàm ăn” như vẫn tưởng

Thanh Hà LDO | 13/04/2021 19:09
Tất cả hố đen siêu lớn ở trung tâm của các thiên hà dường như đều có những khoảng thời gian nuốt chửng vật chất từ ​​môi trường xung quanh nhưng theo những cách thức khác nhau.

Các nhà thiên văn học người Anh và Hà Lan đã đưa ra kết luận này từ nghiên cứu bằng kính viễn vọng vô tuyến siêu nhạy trong một khu vực được nghiên cứu kỹ lưỡng của vũ trụ.

Các nhà thiên văn công bố phát hiện này trong hai bài báo trên tạp chí quốc tế Astronomy & Astrophysics.

Các nhà thiên văn học nghiên cứu những thiên hà đang hoạt động kể từ những năm 1950. Các thiên hà đang hoạt động có một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm đang nuốt chửng vật chất. Trong những giai đoạn hoạt động, các vật thể thường phát ra bức xạ vô tuyến, hồng ngoại, tử ngoại và tia X cực mạnh.

Trong hai nghiên cứu vừa công bố về hố đen, nhóm các nhà thiên văn học quốc tế tập trung vào tất cả các thiên hà đang hoạt động trong khu vực GOODS-North được nghiên cứu kỹ lưỡng trong chòm sao Đại Hùng (Ursa Major).

Cho đến nay, khu vực này được nghiên cứu chủ yếu bằng các kính viễn vọng không gian thu thập ánh sáng nhìn thấy, ánh sáng hồng ngoại và tia UV.

Các quan sát mới bổ sung thêm dữ liệu từ các mạng lưới kính thiên văn vô tuyến nhạy, bao gồm cơ sở quốc gia e-MERLIN của Anh và Mạng VLBI Châu Âu (EVN).

Ảnh mô tả thiên hà có hạt nhân đang hoạt động- một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu

Nhờ nghiên cứu có hệ thống này, 3 nội dung về hố đen đã trở nên rõ ràng. Thứ nhất, nghiên cứu chỉ ra rằng, trung tâm của nhiều loại thiên hà khác nhau có thể hoạt động theo những cách khác nhau. Một số hố đen cực kỳ tham lam, ngấu nghiến càng nhiều vật chất càng tốt. Trong khi đó, một số hố đen khác lại "tiêu thụ" thức ăn chậm hơn trong khi một số khác thì gần như "chết đói".

Thứ hai, đôi khi, một giai đoạn bồi tụ xảy ra đồng thời với một giai đoạn hình thành sao và đôi khi không. Nếu quá trình hình thành sao đang diễn ra, hoạt động trong tâm rất khó phát hiện. Bồi tụ trong thiên văn học là quá trình một số thiên thể như các hành tinh, các ngôi sao được hình thành từ bụi và chất khí.

Thứ ba, quá trình bồi tụ hạt nhân có thể tạo ra hoặc không thể tạo ra các sóng vô tuyến cực cao bất kể tốc độ mà hố đen nuốt thức ăn là bao nhiêu.

Theo nhà điều tra chính Jack Radcliffe, các quan sát cũng cho thấy, kính thiên văn vô tuyến rất hữu ích trong nghiên cứu thói quen dung nạp của các hố đen trong vũ trụ xa xôi. Ông Jack Radcliffe từng thuộc Đại học Groningen và ASTRON ở Hà Lan, Đại học Manchester ở Anh, nay là học giả thuộc Đại học Pretoria, Nam Phi. "Đó là tin tốt, bởi vì kính thiên văn vô tuyến SKA sắp ra mắt và sẽ cho phép chúng ta nhìn sâu hơn vào vũ trụ với nhiều chi tiết hơn" - nhà nghiên cứu Jack Radcliffe nói.

Đồng tác giả nghiên cứu Peter Barthel, Đại học Groningen (Hà Lan) cho biết thêm: "Chúng tôi ngày càng nhận được nhiều dấu hiệu cho thấy tất cả thiên hà đều có những hố đen cực lớn ở trung tâm". Theo ông, thông qua các quan sát, các nhà thiên văn học hiện quan sát được tiến trình phát triển và đang bắt đầu hiểu về hố đen "một cách chậm rãi nhưng chắc chắn".

Đồng tác giả Michael Garrett, Đại học Manchester (Anh) cho biết thêm: "Những kết quả tuyệt đẹp này chứng minh khả năng độc đáo của thiên văn học vô tuyến. Các kính thiên văn như VLA, e-MERLIN và EVN đang thay đổi quan điểm của chúng ta về cách các thiên hà phát triển trong vũ trụ sơ khai".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn