MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa Amphicotyleus milei. Ảnh: Masato Hattori/SWNS

Họ hàng cổ đại của cá sấu hiện đại tiết lộ bí ẩn tuyệt chiêu của loài

Nguyễn Hạnh LDO | 09/12/2021 12:43
Khoảng 155 triệu năm trước, một họ hàng nhà cá sấu đã sinh sống tại Wyoming (Mỹ) ngày nay. Loài bò sát cổ đại này vẫn thở được dễ dàng trong khi nhấn chìm con mồi xuống nước. Đây là bằng chứng sớm nhất về sự thích nghi của đường thở được tìm thấy ở cá sấu hiện đại.

Daily Mail dẫn kết luận của một nhóm nghiên cứu từ Đại học Hokkaido (Nhật Bản) cho hay, hóa thạch một loài mới thuộc họ goniopholidid đã được khai quật tại mỏ đá Đông Camarasaurus, ở hạt Albany, Wyoming, Mỹ. Goniopholidid là một họ cá sấu bán cạn đã tuyệt chủng. Loài mới được đặt tên là Amphicotyleus milei.

Theo các nhà cổ sinh vật học, khi trưởng thành, Amilei có thể nặng gần nửa tấn, dài tới 3,7m và có một cái miệng với 30 chiếc răng dài hơn 5cm sắc như dao cạo. 

Nhà cổ sinh vật học Junki Yoshida từ Đại học Hokkaido cho biết, A.milei không chỉ là "chú" của cá sấu hiện đại, mà nó còn tiết lộ nguồn gốc của hệ thống thở độc đáo mà cá sấu hiện đại sử dụng để lặn.

Ông Yoshida giải thích: "Amphicotylus milei có ống mũi được mở rộng về phía sau, có xương lưỡi ngắn và cong tương tự như cá sấu hiện đại. Điều này cho thấy, bằng cách giữ lỗ mũi bên ngoài cao hơn mặt nước, họ hàng cổ đại của cá sấu có thể nâng cao van ở lưỡi".

"Chúng có thể thở dưới nước trong khi ngậm con mồi trong miệng, giống như cá sấu hiện đại ngày nay. Amphicotylus milei cung cấp một cái nhìn mới lạ về sự thích nghi với cuộc sống dưới nước của cá sấu hiện đại", theo vị chuyên gia.

Hình ảnh của hóa thạch. Ảnh: Gunma Museum of Natural History/SWNS

Theo Live Science, khi cá sấu ở trên cạn, nó thường thở bằng miệng và mở van vòm miệng trong cổ họng. Nhưng khi đang ngậm con mồi dưới nước, cá sấu thở bằng lỗ mũi và đóng van lại. Khi van này không được sử dụng, nó nằm ở mặt dưới của cổ họng và một mạng lưới các cơ sẽ nâng van vào vị trí chặn dòng nước bên ngoài.

Cá sấu hiện đại có khả năng nín thở tới 1 giờ đồng hồ khi ở dưới nước.

Khả năng thích nghi với việc ăn uống dưới nước có thể giúp giải thích tại sao tổ tiên của cá sấu hiện đại vượt qua được sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Phấn trắng, trong khi các loài khủng long cùng thời chết sạch.

Các phát hiện đầy đủ của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn