MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - ở tỉnh Giang Tây, bước vào mùa khô sớm kỷ lục trong năm nay. Ảnh: Xinhua

Hồ nước lớn nhất Trung Quốc thông với sông Dương Tử vào mùa khô sớm kỷ lục

Thanh Hà LDO | 31/07/2023 11:12

Hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc thông với sông Dương Tử - bắt đầu mùa khô sớm nhất trong hơn 70 năm qua.

Hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, bước vào thời kỳ cạn nước ngày 20.7 - sớm nhất kể từ khi bắt đầu ghi dữ liệu vào năm 1951 và sớm hơn 17 ngày so với năm 2022, SCMP thông tin.

Theo trung tâm giám sát thủy văn Giang Tây, mực nước tại trạm thủy văn Xingzi đo được là 11,99 m vào ngày 20.7 - mức thấp nhất trong khoảng thời gian kể từ khi bắt đầu ghi dữ liệu.

Do mực nước liên tục giảm, trung tâm kêu gọi mọi người chú ý đến các tác động tiềm ẩn và kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn trong quản lý thuỷ lợi, cứu trợ hạn hán.

Li Yankuo - giáo sư tại trường khoa học đời sống thuộc Đại học Sư phạm Giang Tây, lo lắng về hạn hán năm nay. Ông cho biết, “mực nước tương đối thấp do lượng mưa ít hơn… Từ những gì tôi quan sát được cho tới nay, hạn hán năm nay dường như rất nghiêm trọng".

Mực nước hồ Bà Dương ở Trung Quốc khi đầy và khi cạn năm 2022. Ảnh: NASA

Hồ Bà Dương là môi trường sống mùa đông quan trọng của các loài chim di cư, với hàng nghìn cá thể bay từ nơi sinh sản ở đông bắc Siberia đến hồ trong mùa đông mỗi năm.

Hơn 350 loài chim đã được ghi nhận tại hồ, trong đó có 23 loài được liệt kê trong danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Vùng đất ngập nước này cũng là nơi lưu trú mùa đông của khoảng 99% loài sếu Siberia - loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng trên thế giới cũng như là nơi lưu trú của hơn 80% loài cò trắng phương Đông đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong những thập kỷ qua, hồ Bà Dương thu hút sự quan tâm vì mực nước thấp kỷ lục vào cuối mùa hè và mùa thu.

Mực nước hồ Bà Dương vốn mở rộng và co lại theo mùa, từ khoảng 3.000 km2 trong mùa mưa đến dưới 500 km2 trong mùa khô.

Mực nước hồ Bà Dương ngày 10.7 (trái) và ngày 27.8.2022 (phải). Ảnh: NASA

Mực nước hồ Bà Dương thấp hơn trong mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3, góp phần mang tới nhiều thực vật, cá và các nguồn thức ăn khác cho các loài chim di cư.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, mực nước của hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đã giảm nhanh hơn vào cuối mùa hè và mùa thu, đồng thời mùa khô của hồ kéo dài hơn.

Các nhà khoa học phát hiện ra những con đập được xây dựng ở thượng nguồn sông Dương Tử là nguyên nhân chính khiến hồ Bà Dương có mùa khô sớm hơn.

Những con đập ở thượng nguồn sông Dương Tử, đặc biệt là đập Tam Hiệp, bắt đầu giữ nước từ tháng 9 khiến mực nước sông Dương Tử thấp hơn và dòng nước từ hồ Bà Dương chảy vào sông Dương Tử nhanh hơn. Do đó, hồ Bà Dương bước vào mùa khô sớm hơn.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, khí hậu là nguyên nhân dẫn tới mùa khô sớm ở hồ Bà Dương, theo chuyên gia Li Yankuo.

Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc trải qua đợt hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng nhất trong 6 thập kỷ, dẫn tới thiếu nước cho thuỷ điện và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Năm 2022, hồ Bà Dương bước vào mùa khô từ 6.8, sớm hơn 100 ngày so với mức trung bình trong lịch sử.

Hu Zhenpeng - cựu phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây, giáo sư tại Đại học Nam Xương - chỉ ra, hạn hán năm ngoái ở hồ Bà Dương nghiêm trọng nhất kể từ năm 1949.

Tình trạng khô hạn của hồ nước ngọt thông với sông Dương Tử ở Trung Quốc khiến nhiều loài chim di cư dừng lại ở những vùng đất ngập nước nhân tạo - ao sen hoặc ruộng lúa - để tìm kiếm thức ăn thay vì đến những vùng đất ngập nước tự nhiên. Điều này làm tăng nguy cơ chim lây lan virus khi ở gần gia cầm.

Giáo sư Li Yankuo nhấn mạnh, cảnh báo và phòng ngừa hạn hán là rất quan trọng. “Những tác động tiêu cực của hạn hán cũng nghiêm trọng như lũ lụt. Nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu, các loài chim di cư và hệ sinh thái" - ông chỉ ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn