MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố thiên thạch Meteor. Ảnh: NASA

Hố thiên thạch 50.000 tuổi hé lộ thông tin quý về Trái đất và các hành tinh

Thanh Hà LDO | 31/05/2021 15:04
Hố thiên thạch “trẻ” và được bảo tồn tốt ở Mỹ giúp các nhà khoa học hiểu được các quá trình tạo hố thiên thạch trên Trái đất và các nơi khác trong Hệ Mặt trời.

Hầu hết các tiểu hành tinh "sống sót" sau khi va chạm với bầu khí quyển Trái đất đều rơi xuống nước, đơn giản vì đại dương chiếm 70% hành tinh chúng ta.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng những thiên thạch khổng lồ cũng rơi xuống đất liền. Đó là trường hợp xảy ra khoảng 50.000 năm trước khi một tiểu hành tinh sắt đâm xuống Bắc Mỹ, để lại một hố va chạm lớn ở phía bắc Arizona, Mỹ, ngày nay.

Hố thiên thạch Meteor (hay hố thiên thạch Barringer), nằm giữa Flagstaff và Winslow trên cao nguyên Colorado. Thiết bị OLI trên vệ tinh Landsat 8 ngày 16.5 đã chụp được hình ảnh của khu vực va chạm hàng chục nghìn năm tuổi này.

Hố thiên thạch Meteor và quang cảnh xung quanh chụp bằng vệ tinh Landsat 8. Ảnh: NASA

Dù đã 50.000 năm tuổi, hố thiên thạch ở Arizona được đánh giá là tương đối trẻ, được bảo tồn rất tốt so với các hố thiên thạch khác. Do đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu rộng rãi địa điểm này để tìm hiểu về quá trình tạo hố thiên thạch - cách các hố thiên thạch hoạt động trên Trái đất và các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời - cũng như những mối đe dọa hiện đại mà các vụ va chạm tiểu hành tinh đặt ra.

"Một vụ va chạm có quy mô tương tự xảy ra ngày nay có thể phá hủy một thành phố cỡ thành phố Kansas" - David Kring, chuyên gia phân tích va chạm tạo miệng hố ở Viện Hành tinh và Mặt trăng, cho biết.

Hố thiên thạch Meteor có kích cỡ khoảng 1,2km và sâu khoảng 180m. Kích cỡ của tiểu hành tinh tạo ra vụ va chạm này không chắc chắn, trong khoảng từ 30-50m nhưng tiểu hành tinh này đủ lớn để bật tung 175 triệu tấn đá.

Hình ảnh hố thiên thạch Meteor do vệ tinh Landsat 8 chụp được giúp hình dung về hố thiên thạch này trong bối cảnh với khu vực xung quanh. Điểm đáng chú ý là viền miệng hố thiên thạch và các khu vực ngay bên ngoài miệng hố màu sáng hơn so với khu vực xung quanh. Đây là những mảnh vỡ được đẩy ra khỏi miệng hố thiên thạch, chủ yếu là đá vôi Kaibab và sa thạch Coconino.

Trang Earth Observatory của NASA cũng lưu ý, miệng hố thiên thạch cũng không phải hình tròn mà có dạng gần như vuông.

Theo chuyên gia Kring, hố thiên thạch có hình dạng này là bởi những lỗ hổng tồn tại sẵn trong tiểu hành tinh trước khi va chạm khiến các mảnh văng ra xa hơn theo 4 hướng khi va chạm với Trái đất.

Cảnh quan khu vực Arizona nơi có hố va chạm cũng đã thay đổi nhiều theo thời gian. Vào thời điểm tiểu hành tinh va chạm Trái đất, con người chưa có mặt tại Bắc Mỹ. Địa hình đồi núi ở khu vực này có khả năng là nơi sinh sống của voi ma mút, voi răng mấu và những con lười trên mặt đất khổng lồ. Hiện tại, cảnh quan quanh miệng hố thiên thạch này là sa mạc với cây bụi.

Hố va chạm trên bề mặt Mặt trăng. Ảnh: NASA

Nhà nghiên cứu Kring đang chủ trì chương trình nghiên cứu và đào tạo thực địa do NASA tài trợ để các nghiên cứu sinh học cách nghiên cứu về các hố thiên thạch va chạm trên Trái đất, Mặt trăng, sao Hỏa và các hành tinh khác. Ông cũng huấn luyện để các phi hành gia quen với các bề mặt hành tinh có những hố thiên thạch va chạm.

“Ví dụ, các phi hành gia Artemis của NASA sẽ hạ cánh xuống một địa hình hố thiên thạch va chạm ở quanh cực nam Mặt trăng" - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn