MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh vệ tinh Terra của NASA về khu vực miền trung Ukraina. Hố thiên thạch Boltysh nằm ở phía nam hữu ngạn sông Dnepr. Ảnh: NASA

Hố thiên thạch bí ẩn góp thêm manh mối về sự kiện khủng long tuyệt chủng

Hải Anh LDO | 19/06/2021 09:49
Thiên thạch khổng lồ lao xuống Ukraina và hình thành hố va chạm Boltysh rất lâu sau khi thiên thạch rơi xuống Trái đất hủy diệt loài khủng long.

Hố thiên thạch Boltysh rộng khoảng 24m ở miền trung Ukraina không nổi tiếng bằng hố va chạm Chicxulub ở bán đảo Yucatán của Mexico, nơi có liên quan trực tiếp đến sự kiện hủy diệt loài khủng long và nhiều loài khác trên Trái đất khoảng 66 triệu năm trước.

Tuy nhiên, từ lâu, hố thiên thạch Boltysh khiến các nhà khoa học tranh luận. Một số ý kiến ​​cho rằng hố thiên thạch ở vùng Kivorohad Oblast của Ukraina, nơi bị chôn vùi dưới lớp trầm tích hơn 300m, có thể hình thành trước hoặc sau sự kiện Chicxulub.

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Annemarie Pickersgill tại Đại học Glasgow, Anh, dẫn dắt ước tính, Boltysh hình thành khoảng 650.000 năm sau thảm họa Chicxulub. Nghiên cứu công bố ngày 18.6 trên tạp chí Science Advances.

Các nhà nghiên cứu dùng kỹ thuật xác định niên đại argon-argon với các loại đá lấy từ ​​Boltysh. Nhóm cũng phân tích các mẫu vật từ một lớp địa chất ở Montana, Mỹ - ranh giới K-Pg - nơi đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ do tác động Chicxulub gây ra.

Ranh giới K-Pg là đặc điểm địa chất, thường là một dải đá mỏng, đánh dấu sự kết thúc của kỷ Phấn trắng và đánh dấu sự khởi đầu của kỷ Paleogen.

Cách tiếp cận so sánh này, cùng với những tiến bộ trong phương pháp xác định niên đại bằng tia phóng xạ, đã mang lại một chuỗi sự kiện rõ ràng hơn so với các nghiên cứu trước.

Ước tính tuổi mới đặt Boltysh vào khoảng nửa triệu năm sau khi thiên thạch hủy diệt loài khủng long, trái ngược với kết luận của một nghiên cứu năm 2010 trên tạp chí Geology rằng miệng hố va chạm này có niên đại vài nghìn năm trước Chicxulub.

Các nhà nghiên cứu viết bài báo năm 2010 đã chấp nhận những phát hiện mới và một số trở thành đồng tác giả trong nghiên cứu của Tiến sĩ Pickersgill.

Kết luận mới cho thấy vụ va chạm hình thành hố thiên thạch ở Ukraina không dẫn đến sự hủy diệt loài khủng long nhưng có thể đã gây trở ngại cho sự phục hồi sau cuộc đại tuyệt chủng.

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Pickersgill đưa ra khả năng Boltysh có thể liên quan đến một sự kiện nóng lên, được gọi là nhiệt dịch C29N thấp hơn, xảy ra cùng thời điểm. Tuy nhiên, việc xác nhận rằng chúng có mối quan hệ sẽ cần thêm nhiều bằng chứng.

Nhà địa vật lý Sean Gulick, Đại học Texas tại Austin, Mỹ, nhận định, “đây là một nghiên cứu quan trọng” có thể giúp “làm sáng tỏ câu hỏi này về việc liệu các sự kiện nhỏ hơn có gây ra những ảnh hưởng lớn đến khí hậu hay không”.

Việc xác định chính xác những mối liên hệ này không chỉ mở ra cánh cửa đi vào lịch sử cổ đại của Trái đất mà còn có thể giúp nhân loại chuẩn bị cho sự thay đổi khí hậu thời hiện đại do con người gây ra.

Ken Amor - nhà địa hóa học tại Đại học Oxford, Anh - cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ các tác nhân va chạm quy mô Boltysh tấn công Trái đất. Ông nói, những va chạm ở cấp độ Chicxulub dường như là “sự kiện thiên nga đen” cực kỳ hiếm, nhưng Trái đất rất dễ bị tổn thương bởi các vật thể nhỏ hơn, như thiên thạch khoảng 1,6km đã tạo ra Boltysh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn