MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một mẫu nhỏ của cấu trúc vi mô được bảo quản tốt trong hóa thạch bọt biển cổ đại. Ảnh: Đại học Laurentian

Hóa thạch 890 triệu năm có thể viết lại lịch sử sự sống trên Trái đất

Thanh Hà LDO | 29/07/2021 10:30
Phát hiện mới về hóa thạch bọt biển nếu được xác nhận có thể đẩy lùi bằng chứng sớm nhất về sự sống trên Trái đất khoảng 350 triệu năm.

Sự sống động vật đơn giản có thể đã tồn tại trong các đại dương của Trái đất cách đây 890 triệu năm, theo một nghiên cứu mới.

Những hóa thạch bọt biển cổ đại được phát hiện gần đây có thể là tàn tích sớm nhất được biết đến của một cơ thể động vật và có niên đại trước các hóa thạch bọt biển khác 350 triệu năm.

Nghiên cứu về phát hiện này được công bố ngày 28.7 trên tạp chí Nature. Phát hiện do Elizabeth Turner - giáo sư cổ sinh vật học và địa chất trầm tích tại Đại học Laurentian ở Ontario, Canada thực hiện. Bà tìm thấy cấu trúc hóa thạch bọt biển từng tồn tại trong các rạn san hô hàng triệu năm trước trong các mẫu đá ở tây bắc Canada.

Trước phát hiện mới này, các nhà khoa học sử dụng bằng chứng di truyền để nhận định bọt biển xuất hiện lần đầu tiên từ 541 triệu đến 1.000 triệu năm trước trong thời kỳ sơ khai của Đại Tân Nguyên Sinh.

Phát hiện của giáo sư Turner có thể giúp lấp đầy khoảng trống đó và cung cấp hiểu biết sơ lược về sự sống động vật biển sớm nhất trên Trái đất.

Bà tìm thấy trong các mẫu đá cổ đại những cấu trúc hóa thạch dạng bộ xương giống như những gì từng tồn tại trong bọt biển sừng. Bọt biển sừng có khung xương với phân nhánh ba chiều được làm từ một chất hữu cơ gọi là spongin.

Giáo sư Joachim Reitner, khoa địa sinh học Đại học Goettingen, Đức, đã xem xét nghiên cứu của Giáo sư Turner trước khi công bố, lưu ý: “Bộ xương hữu cơ này rất đặc trưng và không có cấu trúc nào được biết đến có thể so sánh được".

Khung xương bọt biển. Ảnh: Đại học Laurentian

Bọt biển cổ đại sống ở những ngóc ngách tối ở trên và dưới các rạn san hô lớn được tạo ra từ vi khuẩn sống trong nước có khả năng quang hợp hoặc chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học.

“Chúng có thể đã tồn tại và sống một cuộc sống ngọt ngào mà không cần phải tiến hóa nhiều trong vài trăm triệu năm" - Giáo sư Tuner nhận định. "Ốc đảo ôxy" và các nguồn thức ăn tiềm năng do vi khuẩn tạo ra sẽ là điểm mốc vàng cho bọt biển.

Bọt biển xuất hiện 90 triệu năm trước những sự kiện được cho là cần thiết để hỗ trợ sự xuất hiện và đa dạng hóa đời sống động vật.

Khoảng 800 triệu năm trước, nồng độ ôxy trên Trái đất tăng lên trong thời gian mà các nhà khoa học gọi là sự kiện ôxy hóa Đại Tân Nguyên Sinh, thúc đẩy đáng kể lượng ôxy trong đại dương và khí quyển. Bọt biển có thể chịu được mức ôxy thấp, vì vậy, lượng ôxy mà vi khuẩn có thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Sau đó, đợt băng hà kỷ Cryogen hay kỷ Thành Băng, kỷ thứ hai của đại Tân Nguyên Sinh, diễn ra, bọt biển cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Trong kỷ Cryogen, phần lớn Trái đất trải qua thời kỳ băng hà khắc nghiệt từ 635 triệu đến 720 triệu năm trước.

Giáo sư Joachim Reitner nhận định, phát hiện mới từ hóa thạch bọt biển của Giáo sư Turner "là cột mốc quan trọng trong hiểu biết" về cây phả hệ động vật và tiết lộ rằng, nguồn gốc của động vật sớm hơn nhiều so với đánh giá trước đây.

Hiện tại, Giáo sư Turner muốn điều tra thời điểm bọt biển thực sự xuất hiện nếu chúng đã có mặt trên Trái đất cách đây 890 triệu năm.

Nghiên cứu này cũng có thể giúp ích trong việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Trong khi tàu thăm dò Perseverance của NASA tìm kiếm bằng chứng về sự sống của vi sinh vật cổ đại trên sao Hỏa, dữ liệu đá cổ đại trên Trái đất có thể giúp các nhà khoa học phát hiện những mục tiêu hấp dẫn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn