MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một con Tuatara - loài động vật được gọi là "hóa thạch sống". Ảnh: San Diego Zoo

"Hóa thạch sống" chậm chạp có tinh trùng nhanh nhất thế giới bò sát

Hải Anh LDO | 05/08/2021 20:00
Các nhà nghiên cứu New Zealand có một phát hiện đáng ngạc nhiên về loài "hóa thạch sống" Tuatara.

Tuatara - loài bò sát "hóa thạch sống" cổ đại, di chuyển chậm, chỉ có ở New Zealand - khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên vì có tinh trùng di chuyển nhanh.

Phát hiện được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học đang nỗ lực thu thập và bảo tồn tinh trùng của những loài có nguy cơ đã được bảo vệ nhằm đảm bảo những loài động vật đó sống sót sau những mối đe dọa mới và một hành tinh đang nóng dần lên.

Tuatara là sinh vật chậm chạp, cần 16 tháng để trứng nở và 35 năm để đạt được kích thước đầy đủ khoảng 0,5m. Loài động vật hiếm có này có thể sống và sinh sản cho đến hơn 100 tuổi. Năm 2008, con Tuatara tên là Henry lần đầu làm cha ở tuổi 111.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng tinh trùng Tuatara bơi nhanh nhất so với bất kỳ loài bò sát nào được nghiên cứu cho đến thời điểm hiện tại. Giới khoa học nhận định, tốc độ đó có thể "đóng vai trò như sự thích nghi với việc thiếu cơ quan giao phối ở con đực". Không giống như hầu hết các loài bò sát khác, con Tuatara đực không có dương vật. Do đó, tinh trùng của chúng phải bơi nhanh hơn để hỗ trợ việc sinh nở. Tinh trùng của Tuatara bơi nhanh hơn 4 lần so với các loài bò sát khác.

Tuatara là những cá thể sống sót duy nhất của một bộ bò sát cổ đại giống như thằn lằn đã đi khắp Trái đất cùng với khủng long cách đây 225 triệu năm. Theo cơ quan bảo tồn, các loài Sphenodontia khác rất phổ biến trong thời đại khủng long nhưng hầu hết đã tuyệt chủng khoảng 60 triệu năm trước. Từng phổ biến trên khắp New Zealand, Tuatara giờ đây chủ yếu sinh sống ở những hòn đảo xa bờ, nơi các loài săn mồi du nhập đã bị loại bỏ.

Ngày nay, sự tồn tại của "hóa thạch sống" này đang bị đe dọa hơn nữa bởi sự nóng lên toàn cầu. Giới tính của Tuatara được xác định bằng nhiệt độ mà trứng tiếp xúc, nhiệt độ ấm hơn có nghĩa là nhiều con đực nở hơn. Khi Trái đất nóng lên, nhiều cá thể đực nở ra sẽ làm sai lệch tỉ lệ giới tính. Nếu các quần thể có con đực thống trị quá mức sẽ tuyệt chủng về mặt chức năng.

Các nhà nghiên cứu New Zealand đang tham gia vào một nỗ lực mới nhằm tạo ra một “chính sách bảo hiểm” cho tinh trùng đông lạnh để có thể bổ sung các quần thể bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, động vật ăn thịt du nhập hoặc tỉ lệ giới tính bị lệch nhanh chóng.

Quá trình thu thập tinh trùng Tuatara tốn nhiều công sức. Các nhà nghiên cứu đi đến những hòn đảo ngoài khơi và tìm cách tách 2 con Tuatara đang giao phối để lấy mẫu. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã 40 lần thành công.

Tuatara là loài động vật độc nhất vô nhị do đó có thêm nhiều thách thức cho các nhà nghiên cứu khi tìm cách bảo quản tinh trùng của chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn