MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một học sinh Nhật Bản đợi xe buýt tại khu vực Ginza của Tokyo. Ảnh: AFP

Học sinh tiểu học Nhật Bản phàn nàn về ba lô chống gù randoseru

Thanh Hà LDO | 09/02/2023 08:00
Ba lô chống gù randoseru có thể nặng từ 4-10kg khi đựng đầy khiến học sinh Nhật Bản mệt mỏi và mong muốn có sản phẩm nhẹ hơn. 

Cảnh tượng quen thuộc vào mỗi buổi sáng và buổi chiều hàng ngày trong tuần khắp Nhật Bản là những đứa trẻ nhỏ nhất khoảng 6 tuổi đeo những chiếc ba lô da đựng đầy sách giáo khoa. 

Randoseru - từ phái sinh tiếng Nhật của ransel, một từ cũ trong tiếng Hà Lan chỉ ba lô - là vật dụng cố định trong giáo dục tiểu học để dựng mọi thứ mà học sinh tiểu học cần trong một ngày ở trường. 

Tuy nhiên, hiện nay, chính những học sinh tiểu học này đang phàn nàn rằng ba lô quá nặng khiến chúng bị đau lưng và đau vai. 

Theo khảo sát gần đây của Footmark, nhà sản xuất đồ bơi cho học sinh có trụ sở tại Tokyo, hơn 90% trẻ em trong độ tuổi 6-12 sử dụng randoseru được hỏi cho biết cân nặng là một vấn đề.

Cuộc khảo sát 1.200 phụ huynh và con cái học lớp 1-3, tờ Yomiuri Shimbun cho hay, 93% học sinh và 90% phụ huynh nhất trí rằng ba lô cho học sinh quá nặng. 

Balô randoseru ban đầu được giới thiệu để khuyến khích trẻ em đi bộ đến trường. Mẫu ba lô này được sản xuất để phục vụ học sinh trong suốt 6 năm đầu tiên của chương trình giáo dục bắt buộc.

Theo Yomiuri, trọng lượng trung bình của một chiếc randoseru chứa đầy sách và các vật dụng khác là 4,28kg, tăng từ mức 3,97kg ghi nhận năm 2022. Một số trẻ thậm chí phải phải vật lộn với chiếc ba lô nặng hơn 10kg.

Gần 1/4 trẻ em đề cập đến vấn đề cân nặng của randoseru phàn nàn về đau vai hoặc lưng, trong khi 65% số trẻ được hỏi cho biết muốn đổi randoseru để dùng một sản phẩm nào khác nhẹ hơn. 

Trong khi đó, các bậc phụ huynh thường phản ánh theo hướng giá cả của randoseru. Khảo sát của hiệp hội công nghiệp Randoseru Kogyokai, ba lô này có giá trung bình là 56.425 yên (425 USD) trong năm 2022. Giá đã tăng gần 20.000 yên (153,03 USD) trong thập kỷ qua.

Ba lô randoseru ban đầu do những người lính bộ binh Nhật Bản sử dụng và bắt đầu được dùng cho học sinh từ cuối những năm 1800. 

Phiên bản ba lô randoseru ngày nay được làm bằng cả da mềm và da cứng, có nhiều màu sắc khác nhau nhưng đỏ vẫn là màu được các bé gái ưa chuộng nhất trong khi màu đen thường dùng cho bé trai.

Một số cơ quan giáo dục địa phương ở Nhật Bản đã giải quyết vấn đề cân nặng bằng cách cho phép học sinh để lại sách giáo khoa trong lớp học - đặc biệt là trong những tháng mùa hè ẩm ướt - dù có lo ngại rằng điều đó sẽ khiến học sinh không làm bài tập về nhà.

Năm 2022, thị trấn Tateyama đã yêu cầu một nhà sản xuất quần áo ngoài trời tạo ra ba lô nhẹ hơn sau khi thị trưởng lo ngại về chi phí ngày càng tăng của randoseru thông thường. Tờ Asahi Shimbun đưa tin, mẫu ba lô mới nhẹ hơn sẽ được tặng miễn phí cho trẻ em địa phương vào đầu năm học trong tháng 4 này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn