MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc khảo sát PISA mới nhất diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi trong cách thức đọc và trao đổi thông tin trong kỷ nguyên số. Ảnh: Bloomberg.

Học sinh Trung Quốc đang vượt trội về toán và khoa học

Hải Anh LDO | 04/12/2019 09:16
Học sinh Trung Quốc vượt xa các bạn đồng trang lứa ở mọi quốc gia khác trong một khảo sát về khả năng đọc hiểu, toán và khoa học, theo bản tin của Bloomberg hôm 3.12.

Khảo sát của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment – PISA) của OECD trên những học sinh 15 tuổi khắp thế giới công bố hôm 3.12 nhận thấy, học sinh ở 4 tỉnh thành của Trung Quốc tham gia khảo sát - Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang - vượt trội về khoa học và toán học. Kết quả này đạt được ngay cả với những học sinh trong các gia đình có mức thu nhập dưới trung bình những nước tham gia khảo sát.  Ở phần đọc hiểu, 10% học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất có kỹ năng tốt hơn mức trung bình của OECD.

"Chất lượng của các trường học của họ hôm nay sẽ cung cấp sức mạnh kinh tế của họ trong tương lai"- Tổng thư ký OECD Angel Gurria nói.

Theo Bloomberg, khảo sát 3 năm một lần trên 600.000 học sinh ở 79 quốc gia làm sáng tỏ sự khó khăn trong cải thiện giáo dục, đôi khi không phân biệt các nguồn lực dành cho việc này. Điều đó dường như là vấn đề đặc biệt với các nước OECD đã tăng đầu tư cho học sinh tiểu học và trung học hơn 15% trong thập kỷ qua.

"Thật đáng thất vọng khi hầu hết các nước OECD hầu như không thấy có sự cải thiện về thành tích của học sinh của họ kể từ khi PISA được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2000" - ông Gurria nói.

Biểu đồ điểm PISA năm 2018 được công bố hôm 3.12 về đọc hiểu, toán học và khoa học trong hệ thống giáo dục khác nhau của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong biểu đồ này, Trung Quốc đại lục (Mainland China) dẫn đầu cả về đọc hiểu, toán học và khoa học, vượt xa so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng như vượt xa trung bình của OECD (chữ màu đỏ OECD average). Ảnh: SCMP.

Bloomberg cho hay, cáo cáo cũng nhấn mạnh sự chênh lệch về thành tích giáo dục phụ thuộc vào nền tảng kinh tế xã hội. Ở một số quốc gia, ngay cả khi đầu tư của chính phủ cho giáo dục cao, nền tảng kinh tế - xã hội của một học sinh vẫn đóng một vai trò quan trọng trong kết quả giáo dục họ.

Trung bình, 12% sự thay đổi trong khả năng đọc hiểu của học sinh ở mỗi quốc gia có liên quan đến tình trạng kinh tế xã hội. Ở một số nước Châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, kỹ năng này tăng lên trên 17%.

PISA là một khảo sát quốc tế do tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đề xuất, để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD trên các phương diện toán, khoa học và đọc hiểu.

Chương trình được thực hiện từ năm 2000 và tiến hành 3 năm một lần với mục tiêu cung cấp các dữ liệu so sánh nhằm giúp các nước cải thiện các chính sách và kết quả giáo dục.

Chương trình hướng vào việc đo lường sự hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của học sinh.

PISA cũng khảo sát các mối quan hệ giữa việc học của học sinh và các yếu tố khác để hiểu rõ sự khác biệt về kết quả trong mỗi nước và giữa các nước.

Bảng xếp hạng đầy đủ kết quả khảo sát PISA mới nhất. Ảnh: OECD.org.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn