MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong phiên thảo luận tại trụ sở EU ở Brussels ngày 29.6.2023. Ảnh: European Council

Hội nghị thượng đỉnh EU thảo luận nhiều vấn đề nóng

Thanh Hà LDO | 01/07/2023 07:02

Các nhà lãnh đạo từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, kết thúc ngày 30.6, tại Brussels về việc thực hiện những cam kết lâu dài để củng cố an ninh của Ukraina và các nước thành viên sẵn sàng đóng góp vào các cam kết giúp Ukraina tự vệ trong dài hạn.

Các nhà lãnh đạo EU đồng thuận về những cam kết dài hạn cho Kiev trong bối cảnh có diễn tiến khiêm tốn trong cuộc phản công của Ukraina và cuộc binh biến của nhóm quân sự tư nhân Wagner ở Nga.

Nguồn tin nắm rõ về các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tiết lộ với Financial Times rằng, các nhà lãnh đạo của khối cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev thông qua European Peace Facility - quỹ do các nước EU chi trả.

Tuần trước, EU quyết định tăng thêm 3,5 tỉ Euro cho European Peace Facility. Tuy nhiên, khoản ngân sách này có thể không đủ về lâu dài và Ủy ban châu Âu đang xem xét cách thức để sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraina, theo Euro News.

Theo Reuters, trong tuyên bố chính thức sau hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cho biết, sẽ nhanh chóng xem xét hình thức của những cam kết với Ukraina.

Ông Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối - cho biết, có thể xây dựng các cam kết dựa trên sự hỗ trợ hiện có của EU, như quỹ European Peace Facility.

"Hỗ trợ quân sự cho Ukraina phải là chặng đường dài. Việc huấn luyện phải tiếp tục, hiện đại hóa quân đội phải tiếp tục. Ukraina cần cam kết của chúng tôi để tiếp tục đảm bảo an ninh trong và sau chiến sự" - ông Borrell nói. Ông cũng cho hay, EU có thể thành lập Quỹ Quốc phòng Ukraina mô phỏng theo Peace Facility.

Các nhà ngoại giao EU thông tin, so với văn bản Pháp đề xuất, tuyên bố chính thức của hội nghị thượng đỉnh đã được sửa đổi để giải quyết những lo ngại từ các quốc gia trung lập về quân sự cũng như các nước vùng Baltic.

Theo đó, tuyên bố khẳng định, EU sẽ đóng góp "cùng với các đối tác" và "hoàn toàn tôn trọng chính sách an ninh và quốc phòng của một số quốc gia thành viên".

Các vấn đề kinh tế và quan hệ với Trung Quốc cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU ngày 30.6. Về vấn đề kinh tế, các nhà lãnh đạo EU xem xét việc thực hiện các kết luận trước đó về chính sách công nghiệp của EU, thị trường chung, khả năng cạnh tranh và sản xuất dài hạn của châu Âu.

Các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận trong cuộc họp tháng 3.2023 về cách xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, sẵn sàng cho tương lai, đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài.

Các nhà lãnh đạo kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh để hoàn thiện thị trường chung, đặc biệt là về kĩ thuật số và dịch vụ, đồng thời giải quyết các lỗ hổng lớn trong các cuộc khủng hoảng gần đây. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình kinh tế ở EU, đặc biệt liên quan đến các cách tăng cường an ninh kinh tế và khả năng phục hồi.

EU quyết tâm đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của mình và tăng cường khả năng hành động tự chủ, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ông đồng thời lưu ý, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hợp tác EU - NATO là điều cần thiết với an ninh chung của châu Âu.

Về vấn đề này, trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, các nhà lãnh đạo EU đã đánh giá tiến độ đạt được trong việc thực hiện các kết luận trước đó, bao gồm cả Tuyên bố Versailles với các biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ của EU, cũng như một loạt các chiến lược khác.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng cung cấp thêm hướng dẫn về khả năng an ninh và quốc phòng của khối, đặc biệt liên quan đến mua sắm, đầu tư và sản xuất đạn dược.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại Vilnius vào ngày 11-12.7, các thành viên EU cũng thảo luận về hợp tác với NATO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn