MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hội nghị thượng đỉnh lớn nhất thế giới về giải quyết khủng hoảng COVID-19

Thanh Hà LDO | 22/09/2021 06:30

Tổng thống Mỹ Joe Biden mời các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 22.9 bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để thúc đẩy làm nhiều hơn nữa trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19. Tổng thống Joe Biden sẽ nỗ lực thuyết phục các nước sản xuất vaccine khác cân bằng nhu cầu trong nước với tập trung đổi mới vào sản xuất và phân phối vaccine cho các quốc gia nghèo hơn.

Thúc đẩy chia sẻ vaccine

Theo Axios, sự kiện thúc đẩy chia sẻ vaccine COVID-19 vào ngày 22.9 quan trọng vì hiện chưa có kế hoạch thiết thực nào để tiêm chủng cho toàn thế giới và các hội nghị thượng đỉnh về vấn đề này trước đây đều chưa đạt được mục tiêu. New York Times lưu ý, hội nghị này là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới về giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Nhà Trắng kỳ vọng cuộc họp thượng đỉnh sẽ tạo ra những cam kết đầy tham vọng, các biện pháp có trách nhiệm giải trình để theo dõi tiến trình và cuối cùng giúp đạt được tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu 70% vào tháng 9.2022. Lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh do Mỹ tổ chức bao gồm yêu cầu các quốc gia đưa ra những cam kết cụ thể của mình về vaccine. Hội nghị cũng sẽ giải quyết tình trạng thiếu ôxy cho bệnh nhân COVID-19 và trang bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế. 

Các chuyên gia ước tính cần 11 tỉ liều vaccine COVID-19 để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng toàn cầu. Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 600 triệu - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - và chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thực hiện các động thái để mở rộng sản xuất vaccine ở Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi. Liên minh Châu Âu gồm 27 quốc gia đặt mục tiêu xuất khẩu 700 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.

Axios lưu ý, Ấn Độ là trọng tâm đặc biệt đáng chú ý trong hội nghị ngày 22.9 do Mỹ chủ trì. Ban đầu, Ấn Độ được xem là nhà xuất khẩu vaccine COVID-19 chính cho các nước có thu nhập thấp hơn nhưng quốc gia Nam Á này đã ngừng xuất khẩu hầu hết vaccine từ tháng 3 sau làn sóng COVID-19 thứ 2 bùng phát trong nước. Ngày 20.9, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ thông báo rằng xuất khẩu vaccine sẽ tiếp tục trở lại vào tháng 10 tới. 

Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Tom Frieden cho hay, có thông tin cho rằng sẽ có rất nhiều vaccine COVID-19 vào năm 2022. Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, một số quốc gia sẽ không đủ vaccine cho tới năm 2023 hoặc xa hơn nữa.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng nhấn mạnh, dù cam kết quyên góp liều vaccine và nguồn cung khác là hữu ích nhưng cần có hành động quyết liệt hơn để tiêm chủng cho thế giới, đặc biệt là khi các nước giàu tiếp tục ưu tiên tiêm liều nhắc lại.

Trách nhiệm giải trình

Trong quá trình đại dịch, đã có nhiều cam kết, nhưng một số quốc gia chậm trễ hoặc không đạt được mục tiêu chia sẻ vaccine COVID-19 do biến thể Delta làm đảo lộn tính toán về nhu cầu trong nước của những nước này. Thông báo về hội nghị ngày 22.9 do Mỹ chủ trì cũng đề cập tới trách nhiệm giải trình: Đặt các mục tiêu, theo dõi tiến độ và thực sự đảm bảo đạt được các mục tiêu. 

Theo NPR, tới nay, các quốc gia thu nhập thấp nhận được chưa tới 1% tổng số liều vaccine COVID-19 đã tiêm cho tới hiện tại trên toàn cầu. 

COVAX - chương trình chia sẻ vaccine do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn thành lập vào tháng 4.2020 đang chậm tiến độ so với kế hoạch đến mức không đến 10% dân số ở các quốc gia nghèo đã được tiêm chủng đầy đủ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vốn đặt ra các mục tiêu tối thiểu về tỉ lệ bao phủ vaccine ở mọi quốc gia trên thế giới là: Ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, 40% vào cuối năm 2021 và 70% vào cuối tháng 6.2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh phân bổ vaccine hiện nay, mục tiêu này còn xa mới đạt được.

Ước tính của tổ chức One Campaign chỉ ra, 7 quốc gia phát triển hàng đầu dự trữ dư tới hơn 600 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm 2021. Số vaccine dư này đủ để tiêm chủng đầy đủ cho mọi người trưởng thành ở Châu Phi.

Đến nay, Mỹ đã phân phối 140 triệu liều vaccine COVID-19  cho khoảng 100 quốc gia. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cam kết phân phối thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer trong những tháng tới đồng thời gợi ý về khả năng có một cam kết còn lớn hơn trong thời gian sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn