MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bão địa từ ở mức độ nhỏ hoặc trung bình dự kiến xảy ra hôm nay 4.12. Ảnh: SWPC

Hôm nay có bão địa từ

Song Minh LDO | 04/12/2023 11:37

Một cơn bão địa từ ở mức độ trung bình sẽ xảy ra trong ngày hôm nay 4.12.

Sau cơn bão địa từ kéo dài từ ngày 1-2.12, Trung tâm Khí tượng Vệ tinh Quốc gia Trung Quốc dự báo một cơn bão địa từ nhỏ đến trung bình khác sẽ xảy ra vào ngày 4.12.

Tác động của cơn bão địa từ trước đó đối với hoạt động của vệ tinh là không đáng kể, nhưng tạo cực quang rực rỡ ở miền bắc Trung Quốc.

Từ 5h chiều 1.12 đến 8h sáng 2.12, do ảnh hưởng của vụ phun trào vành nhật hoa (CME) từ mặt trời, Trái đất đã trải qua một cơn bão địa từ kéo dài 3 giờ với chỉ số Kp bằng 7, một cơn bão địa từ vừa phải kéo dài 3 giờ với chỉ số Kp bằng 7 và một cơn bão địa từ nhỏ kéo dài 9 giờ với chỉ số Kp là 6.

Hiện tại, hoạt động địa từ vẫn tiếp diễn, theo Trung tâm Khí tượng Vệ tinh Quốc gia Trung Quốc.

Chỉ số Kp phản ánh hoạt động từ trường toàn cầu cứ sau ba giờ, trong đó giá trị cao hơn cho thấy hoạt động địa từ mạnh hơn.

Đây là lần xuất hiện thứ bảy của một cơn bão địa từ có cường độ như vậy trong năm nay, sau các sự kiện vào ngày 27.2, 23-24.3, 23-24.4 và 19.9.

CME - hoạt động phun trào điển hình của mặt trời - được thúc đẩy bởi từ trường mạnh của các vết đen mặt trời, giải phóng hàng trăm triệu hoặc thậm chí hàng nghìn tỉ tấn vật chất vành nhật hoa với tốc độ hàng trăm đến hàng nghìn km/giây, tạo thành các sóng xung kích bùng nổ lan truyền nhanh chóng khắp hệ thống mặt trời.

Sau khi bị các sóng xung kích này tấn công, từ trường Trái đất trải qua những thay đổi đáng kể về hướng và cường độ, dẫn đến các cơn bão địa từ.

Cực quang được quan sát từ Bắc Kinh ngày 1.12.2023. Ảnh: CFP

Các chuyên gia cho biết, với dịch vụ dự báo chính xác, bộ phận điều hành vệ tinh đã có sự chuẩn bị từ trước nên tác động của cơn bão địa từ này đến mạng vệ tinh khí tượng FengYun của Trung Quốc ở mức tối thiểu.

Đồng thời, do bão địa từ, cực quang đã được quan sát ở các khu vực như Hắc Long Giang, khu tự trị Nội Mông và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở Trung Quốc. Hoạt động này diễn ra dồn dập đến mức ngay cả Bắc Kinh cũng đã ghi lại những cảnh tượng và quan sát rõ ràng về cực quang.

This browser does not support the video element.

Cực quang xuất hiện ở Hắc Long Giang, Nội Mông và Bắc Kinh ngày 1.12.2023. Video: CGTN

Tối 1.12, cực quang xuất hiện ở nhiều khu vực vĩ độ cao của Trung Quốc, bao gồm Hắc Long Giang ở đông bắc và Nội Mông ở phía bắc. Bầu trời đêm rực đỏ trong ánh cực quang.

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên nhất là cực quang cũng được quan sát thấy ở Bắc Kinh, một khu vực có vĩ độ thấp hơn. Các nhà quan sát thiên văn ở khu vực ngoại ô Bắc Kinh là quận Hoài Nhu và Môn Đầu Câu cho biết đã nhìn thấy cực quang.

Cực quang xuất hiện ở Mạc Hà, Hắc Long Giang, ngày 1.12.2023. Ảnh: VCG

Theo Kênh Địa lý Quốc gia Trung Quốc, đây là lần nhìn thấy cực quang thứ hai được ghi nhận trong lịch sử Bắc Kinh. Theo các phương tiện truyền thông, lần gần nhất cực quang xuất hiện ở Bắc Kinh là cách đây 20 năm, vào năm 2003.

Sau khi nhìn thấy cực quang cực hiếm ở Bắc Kinh, nhiều người đam mê thiên văn học cũng như những người dân khác đã đến vùng ngoại ô phía bắc thủ đô vào tối thứ Bảy (2.12), với hy vọng được quan sát cực quang một lần nữa.

Tuy nhiên, cực quang đã không xuất hiện ở Bắc Kinh trong đêm thứ hai liên tiếp. “Mặc dù chúng tôi đã chờ đợi vài giờ trong đêm đông lạnh giá mà không thấy cực quang, nhưng chúng tôi và những thợ săn cực quang khác đã có một đêm tuyệt vời” - một người đam mê thiên văn học tên Zou ở Bắc Kinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn