MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở của Ngân hàng Credit Suisse ở Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 13.2.2023. Ảnh: Xinhua

Hợp sức ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lan rộng

Khánh Minh LDO | 21/03/2023 07:59

Ngày 19.3, một số ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới đã hợp sức ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lan rộng sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS mua lại Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai nước này - trong một thoả thuận lịch sử.

Tăng thanh khoản USD

Theo Reuters, cuối ngày 19.3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các ngân hàng Trung ương Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ đã ra tuyên bố nhằm trấn an các thị trường. Trong một phản ứng toàn cầu chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm của đại dịch, các ngân hàng trung ương nói trên đã phối hợp hành động để tăng tính thanh khoản của thị trường.

Trong tuyên bố chung, các ngân hàng Trung ương cho biết, để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các thể chế tài chính đang cung cấp các hoạt động bằng USD đã nhất trí tăng tần suất hoạt động hoán đổi USD kỳ hạn 7 ngày từ hằng tuần (hiện nay) lên hằng ngày. Việc tăng tần suất hoán đổi USD sẽ cải thiện cung cấp thanh khoản và là biện pháp bảo đảm thanh khoản quan trọng để giảm những căng thẳng trên thị trường tiền tệ toàn cầu. FED thông báo, hoạt động hoán đổi hằng ngày sẽ bắt đầu ngay từ ngày 20.3 và sẽ tiếp tục cho tới ít nhất là cuối tháng 4.

ECB tuyên bố sẽ hỗ trợ các ngân hàng khu vực đồng Euro bằng các khoản vay nếu cần, đồng thời cho biết thêm, việc Thụy Sĩ giải cứu Credit Suisse là "công cụ" để khôi phục lại sự ổn định.

“Các ngân hàng khu vực đồng Euro có khả năng phục hồi cao, với vị thế vốn và thanh khoản mạnh mẽ. Trong mọi trường hợp, bộ công cụ chính sách của chúng tôi được trang bị đầy đủ để cung cấp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính khu vực đồng euro nếu cần và để duy trì chính sách tiền tệ suôn sẻ" - ECB cho hay.

FED thường cung cấp thanh khoản thông qua hợp đồng hoán đổi USD khi nguồn cung trên thị trường thiếu hụt. Điều này cho phép ngân hàng Trung ương có được các khoản ngoại tệ để phân phối cho giao dịch các ngân hàng thương mại trong nước từ các ngân hàng nước ngoài. FED có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với ngân hàng Trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ và ECB.

Thỏa thuận lịch sử giữa UBS và Credit Suisse

Ngày 19.3, UBS đồng ý trả 3 tỉ franc Thụy Sĩ (3,23 tỉ USD) cho ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ - Credit Suisse có tuổi đời 167 năm và tiếp quản khoản lỗ lên tới 5,4 tỉ USD trong một thỏa thuận có khoản bảo lãnh lớn của Thụy Sĩ và dự kiến ​​​​sẽ khép lại vào cuối năm 2023.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher phát biểu: “Đây là một ngày lịch sử ở Thụy Sĩ và thành thật mà nói, chúng tôi hy vọng ngày này sẽ không đến. Nhiều sự kiện trong vài tuần qua đã khiến các cơ quan quản lý trên toàn thế giới hối thúc UBS xem xét việc tiếp quản Credit Suisse để duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu". Giám đốc điều hành của UBS, Ralph Hamers cho biết, vẫn còn nhiều chi tiết cần được giải quyết.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher tuyên bố sẽ đóng cửa mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse, nơi có hàng nghìn nhân viên trên toàn thế giới. UBS ước tính ​​tiết kiệm chi phí hằng năm khoảng 7 tỉ USD từ nay đến năm 2027.

Theo ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, thỏa thuận bao gồm 100 tỉ Franc Thụy Sĩ (108 tỉ USD) hỗ trợ thanh khoản cho UBS và Credit Suisse. Các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được 1 cổ phiếu UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu Credit Suisse nắm giữ, tương đương 0,76 Franc Thụy Sĩ trên mỗi cổ phiếu với tổng giá trị là 3 tỉ Franc.

Cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 1/4 giá trị vào tuần trước. Ngân hàng đã buộc phải sử dụng 54 tỉ USD cứu trợ của ngân hàng trung ương để cố gắng phục hồi và trấn an dư luận.

Khủng hoảng chưa kết thúc

Cuộc "hôn nhân" của hai ngân hàng Thụy Sĩ diễn ra sau những nỗ lực ở Châu Âu và Mỹ nhằm hỗ trợ lĩnh vực này kể từ khi ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature Bank của Mỹ sụp đổ.

Một số nhà đầu tư hoan nghênh các bước đi vào cuối tuần nhưng có lập trường thận trọng.

Brian Jacobsen - chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Allspring Global Investments - cho biết: “Với điều kiện các thị trường không phát hiện ra các vấn đề còn sót lại khác, tôi nghĩ điều này sẽ khá tích cực”.

Các vấn đề vẫn còn ở lĩnh vực ngân hàng Mỹ, nơi cổ phiếu ngân hàng vẫn chịu áp lực mặc dù một số ngân hàng lớn đã có động thái gửi 30 tỉ USD để giải cứu ngân hàng First Republic Bank - ngân hàng bị chao đảo sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank. Ngày 19.3, xếp hạng tín dụng của First Republic Bank bị S&P Global hạ cấp sâu hơn, cho thấy, việc giải cứu có thể không giải quyết được vấn đề thanh khoản của ngân hàng này.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư và chiến lược gia cho rằng, tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn khả năng xảy ra ngay cả sau khi UBS đồng ý tiếp quản Credit Suisse và thông báo về các biện pháp thanh khoản đồng USD giữa các ngân hàng Trung ương.

Sự kiện quan trọng trong tuần này sẽ là quyết định chính sách của FED vào ngày 22.3 với việc các thị trường đang chờ xem liệu tình trạng hỗn loạn gần đây trên toàn cầu có thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách Mỹ ngừng tăng lãi suất hay không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn