MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hubble của NASA phát hiện kỳ quan vũ trụ "cực dị"

Song Minh LDO | 30/05/2021 20:00
Kính thiên văn Hubble của NASA chụp được hình ảnh thiên hà xoắn ốc "cực dị" có tên NGC 2276.
Thiên hà xoắn ốc NGC 2276 bị biến dạng trong bức ảnh của kính thiên văn Hubble. Ảnh: NASA

Thiên hà NGC 2276 nằm cách Trái đất 120,5 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Tiên Vương (Cepheus).

Theo SciNews, thiên hà xoắn ốc được xem là những kỳ quan của vũ trụ. Chúng có một phần lồi hay chỗ phình ở trung tâm, nơi tập trung mật độ sao già dày đặc, và được bao quanh bởi những cánh tay xoắn ốc chứa đầy khí bụi và những ngôi sao trẻ hơn.

Còn được gọi là IRAS 07101 + 8550, LEDA 21039 và UGC 3740, thiên hà NGC 2276 được nhà thiên văn học người Đức Friedrich August Theodor Winnecke phát hiện vào ngày 26.6.1876.

Trong Atlas các thiên hà kỳ dị, NGC 2276 được đề cập hai lần: Arp 25 trong mục "thiên hà xoắn ốc với một cánh tay nặng" và Arp 114 trong mục "thiên hà hình elip gần và xoay quanh các thiên hà xoắn ốc".

Tuy nhiên, dữ liệu mới từ kính thiên văn Hubble cho thấy NGC 2276 đang mất dần hình dạng đặc biệt của nó.

Các nhà thiên văn học Hubble cho biết: “Quan sát kỹ hơn sẽ thấy thiên hà có hình dạng lệch lạc kỳ lạ do tương tác hấp dẫn và sự hình thành sao cường độ cao. Hình ảnh mới cho thấy sự xuất hiện méo mó bất thường của NGC 2276 - sự xuất hiện do hai tương tác vật lý thiên văn khác nhau gây ra: Một với khí siêu nóng lan tỏa khắp các cụm thiên hà và một với thiên hà lân cận”.

Họ nói thêm: “Sự tương tác của NGC 2276 với môi trường khí siêu nóng nằm giữa các thiên hà trong các cụm thiên hà đã kích hoạt một vụ nổ hình thành sao dọc theo một cạnh của thiên hà. Làn sóng hình thành sao này có thể nhìn thấy được dưới dạng ánh sáng rực rỡ, nhuốm màu xanh lam của những ngôi sao khối lượng lớn mới hình thành ở phía trái của bức ảnh và tạo cho thiên hà một diện mạo lệch lạc kỳ lạ”.

Sự bùng nổ hình thành sao gần đây của NGC 2276 có liên quan đến sự xuất hiện của các hố đen và sao neutron trong hệ sao đôi.

Các nhà thiên văn cho biết, trên thực tế, lực hấp dẫn của một thiên hà nhỏ hơn có tên là NGC 2300 (nằm ở phía bên phải của NGC 2276 nhưng không được nhìn thấy trong ảnh) đang hút đĩa màu xanh lam của thiên hà NGC 2276, khiến các ngôi sao của nó bị kéo ra phía ngoài. Sự tương tác này với thiên hà nhỏ NGC 2300 đã làm biến dạng các nhánh xoắn ốc ngoài cùng của NGC 2276.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn