MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: TASS

Hungary đặt nghi vấn vụ Ukraina chặn dòng dầu Nga

Thanh Hà LDO | 31/07/2024 17:48

Hungary nghi có dàn dựng trong vụ Ukraina ngăn chặn dòng dầu của Nga vận chuyển qua đường ống dẫn dầu sang nước này và Slovakia.

Tháng trước, Ukraina áp đặt lệnh trừng phạt với Lukoil - công ty dầu khí tư nhân lớn nhất Nga, cấm Lukoil vận chuyển dầu của Nga qua đường ống dẫn dầu Druzhba hay "Hữu nghị" tới Hungary và Slovakia. Hungary tiếp nhận phần lớn dầu thô từ Nga, trong đó khoảng một nửa đến từ Lukoil.

Động thái chặn dòng dầu Nga của Ukraina khiến các quan chức ở Slovakia và Hungary phản ứng, nhấn mạnh mất nguồn cung dầu Nga sẽ đe dọa an ninh năng lượng trong nước. Hungary và Slovakia đe dọa sẽ có hành động pháp lý với Ukraina nếu dòng dầu thô từ Lukoil không được nối lại.

Theo AP, ngày 30.7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto lên tiếng chỉ trích ủy ban điều hành của EU, cho rằng Brussels đã "không làm gì" trong suốt tuần kể từ khi Budapest và Bratislava đề nghị can thiệp vào tranh chấp dầu của Nga.

“Bất chấp mối đe dọa với an ninh năng lượng của 2 quốc gia thành viên EU, Brussels vẫn im lặng” - ông Szijjarto viết, đồng thời cho rằng ủy ban quá “yếu” để bảo vệ lợi ích của Slovakia và Hungary hoặc “chính Brussels, chứ không phải Kiev, đã dàn dựng toàn bộ sự việc".

“Ủy ban châu Âu và cá nhân Chủ tịch Ursula von der Leyen, phải làm rõ ngay rằng: Brussels có yêu cầu Kiev cấm cung cấp dầu hay không? Và nếu không, tại sao Ủy ban châu Âu không có hành động nào trong hơn một tuần?” - Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh.

Năm 2022, EU thông qua lệnh cấm vận dầu của Nga nhưng ngoại lệ với Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech để những nước này có thời gian tìm kiếm các nguồn dầu thô khác.

Tuần trước, chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary Vikor Orban, ông Gergely Gulyas, cho biết, việc chặn dòng dầu của Nga do Lukoil cung cấp cho Hungary có thể dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "không có lý do gì để hoảng sợ" vì Hungary vẫn còn dầu dự trữ. Tuy nhiên, Hungary sẽ tìm cách giải quyết bế tắc trước tháng 9.

Người dân diễu hành với lá cờ Hungary dài 1.848 m để kỷ niệm ngày độc lập 2.6.2024. Ảnh: Xinhua

Trong diễn biến khác liên quan tới Hungary, Reuters thông tin, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đã nêu lên những lo ngại về an ninh liên quan đến quyết định nới lỏng hạn chế thị thực mà Hungary triển khai gần đây.

Chủ tịch EPP Manfred Weber đã viết thư cho người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel, phản ánh các quy định mới của Hungary có thể "tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng cho các hoạt động gián điệp... gây ra rủi ro nghiêm trọng cho an ninh quốc gia".

Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết sẽ liên lạc với Hungary về các quy định mới và Budapest có nghĩa vụ phải kiểm tra xem các quy định này có tuân thủ chính sách của khối Schengen hay không.

Khối Schengen bao gồm gần 30 quốc gia châu Âu, hầu hết là thành viên EU. Công dân trong khối này có quyền đi lại tự do mà không cần hộ chiếu hay kiểm tra tại biên giới. Du khách ngoài khối xin được thị thực của một nước Schengen cũng được phép tự do đi đến các nước Schengen khác.

Trong tháng 7, Hungary đã mở rộng chương trình nhập cư "thẻ quốc gia" cho công dân nhiều nước, trong đó có Nga, Belarus. Người sở hữu thẻ này được phép làm việc tại Hungary mà không cần giấy phép an ninh và có thể đưa gia đình đến Hungary. Thẻ có hiệu lực trong 2 năm và có thể gia hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn