MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hướng tới tiêm chủng vaccine COVID-19 cho thế giới trước cuối năm 2022

Hải Anh LDO | 12/06/2021 08:51

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống COVID-19 thông qua tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Anh sẽ cung cấp ít nhất 100 triệu liều vaccine dư cho các quốc gia nghèo nhất. Thủ tướng Anh cũng dự kiến nhóm G7 sẽ nhất trí tặng 1 tỉ liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo hơn trong Hội nghị Thượng đỉnh khai mạc ngày 11.6, giúp thế giới tiêm chủng trước cuối năm 2022.

Cam kết chia sẻ của Mỹ, Anh

Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ bắt đầu vận chuyển nửa tỉ liều vaccine Pfizer tặng cho các quốc gia cần vào tháng 8, thực hiện cam kết dẫn dắt chiến dịch toàn cầu chống đại dịch. Ông Biden nhấn mạnh ngày 10.6 rằng, việc Mỹ mua và tặng vaccine Pfizer là lớn nhất trong số các quốc gia cho tới thời điểm hiện tại và vaccine sẽ được trao mà không có điều kiện ràng buộc gì.

Ông Joe Biden nêu trong phát biểu trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Anh rằng, chìa khóa để mở cửa trở lại và phát triển kinh tế là tiêm phòng cho người dân. Ông lưu ý, vaccine Pfizer mà Mỹ mua để chia sẻ đã "được chứng minh là cực kỳ hiệu quả ngừa COVID-19 và mọi biến thể được biết đến hiện nay của virus".

Tổng thống Mỹ cho hay, số vaccine tài trợ sẽ mang lại lợi ích cho người dân Mỹ khi giúp dập tắt dịch ở nước ngoài trước khi các biến thể nguy hiểm hơn phát sinh.

Số vaccine Pfizer mà Mỹ cam kết sẽ được đưa đến 92 quốc gia có thu nhập thấp do COVAX lựa chọn. Khoảng 200 triệu liều vaccine sản xuất tại Mỹ sẽ xuất xưởng vào cuối năm nay, phần còn lại sẽ được vận chuyển vào năm 2022, Nhà Trắng thông tin. Các quan chức cũng nói rằng, Mỹ sẽ tham khảo ý kiến ​​các nhà khoa học khi tập trung phân phối vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp.

Sau thông báo tặng 500 liều vaccine Pfizer của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết Anh sẽ cung cấp ít nhất 100 triệu liều vaccine dư cho các quốc gia nghèo. "Nhờ thành công của chương trình vaccine của Vương quốc Anh, chúng tôi hiện có thể chia sẻ một số liều dư với các bên cần. Qua đó, chúng tôi sẽ thực hiện một bước tiến lớn để đánh bại đại dịch này" - Thủ tướng Anh nói. Tới nay, Anh đã tiêm liều đầu tiên cho 77% dân số trưởng thành, trong khi Mỹ là 64%. Ông Boris Johnson cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo khác cam kết tương tự và cho các công ty dược phẩm áp dụng mô hình Oxford-AstraZeneca cung cấp vaccine với chi phí thấp trong thời gian đại dịch.

Reuters cho hay, G7 dự kiến cam kết tặng 1 tỉ liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo hơn khi Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm khai mạc ngày 11.6 tại Anh, qua đó giúp tiêm chủng cho thế giới trước cuối năm 2022.

Với dân số toàn cầu gần 8 tỉ người và hầu hết mọi người đều cần tiêm 2 liều vaccine, các nhà vận động nhận định, những cam kết chia sẻ vaccine kể trên đánh dấu bước khởi đầu và các nhà lãnh đạo thế giới cần phải đi xa hơn, nhanh hơn.

Lis Wallace, thành viên nhóm chiến dịch chống đói nghèo ONE cho biết: “Mục tiêu cung cấp 1 tỉ liều vaccine của G7 nên được coi là mức tối thiểu tuyệt đối và khung thời gian cần phải tăng tốc”. "Chúng ta đang trong cuộc chạy đua với virus và loại virus này càng tồn tại lâu thì càng có nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn phá hoại những tiến bộ toàn cầu" - bà nói thêm.

Diễn biến đáng lưu ý

Giới chức y tế Chile thông báo phong tỏa toàn thủ đô Santiago lần nữa vào ngày 10.6 sau đợt lây nhiễm đáng lo ngại mới dù đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa dân số tại đây, Reuters đưa tin. Diễn biến này cảnh báo giới chức ở nhiều nơi khác về việc mở cửa trở lại sau các chiến dịch tiêm chủng.

Số ca COVID-19 hằng ngày được ghi nhận trên toàn quốc của Chile tăng 17% trong hai tuần và tăng 25% ở vùng Metropolitan, vùng có Santiago và nơi sinh sống của một nửa dân số cả nước. Giường chăm sóc đặc biệt ở khu vực thủ đô Chile hiện đạt 98% công suất. Jose Luis Espinoza - chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Điều dưỡng Quốc gia Chile (Fenasenf), cho biết, các thành viên của tổ chức đang "bên bờ vực sụp đổ".

Đáng lưu ý, Chile là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Khoảng 75% trong số 15 triệu cư dân Chile đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 58% đã được tiêm chủng đầy đủ. Theo bình quân đầu người ở các quốc gia lớn hơn, Chile đang dẫn đầu về tiêm chủng ở Châu Mỹ và cao thứ 5 trên thế giới, theo dữ liệu của Reuters. Đến nay, Chile đã tiêm gần 23 triệu liều vaccine COVID-19 - 17,2 triệu liều của Sinovac, 4,6 triệu liều của Pfizer/BioNTech và chưa đến 1 triệu liều cả AZN.L của AstraZeneca và CanSino.

Trong số 7.716 người mắc COVID-19 từ 9-10.6, có 73% chưa tiêm chủng đầy đủ và 74% dưới 49 tuổi, Bộ Y tế Chile cho hay.

Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, vaccine không hiệu quả 100% và có khoảng thời gian trễ trước khi đạt hiệu quả cao nhất. Một yếu tố khác thúc đẩy đợt bùng phát dịch là sự mệt mỏi do phong tỏa và sự xuất hiện của nhiều biến thể dễ lây lan hơn. Cơ quan quản lý y tế Chile ISP tiết lộ, trình tự bộ gene của các ca lây nhiễm từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 6 năm nay xác nhận biến thể P1 tìm thấy lần đầu ở Brazil là phổ biến nhất ở Chile và "lây lan gấp hai lần so với chủng ban đầu".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn