MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Trung Quốc, nhu cầu điện dự kiến tăng 5,3% vào năm 2023 và 5,1% vào năm 2024. Ảnh: Xinhua

IEA dự báo nhu cầu điện toàn cầu

Khánh Minh LDO | 21/07/2023 06:52

IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2024 sau khi chậm lại trong năm nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra và suy thoái kinh tế dự kiến làm chậm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu vào năm 2023, nhưng sẽ phục hồi vào năm 2024. Điều đó có nghĩa là cần phải phát triển thêm năng lượng tái tạo.

Tốc độ tiêu thụ điện trên toàn cầu dự kiến giảm gần 2% vào năm 2023, từ mức giảm 2,3% vào năm 2022, và giảm so với mức trung bình 5 năm trước COVID-19 là 2,4%.

Dữ liệu của IEA cho thấy, vào năm 2024, tỉ lệ này dự kiến tăng lên 3,3% khi triển vọng kinh tế được cải thiện.

IEA dự đoán năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng mức tăng trưởng dự kiến trong năm nay và năm tới. Năng lượng từ các nguồn tái tạo sẽ lần đầu tiên vượt 1/3 tổng nguồn cung cấp điện toàn cầu vào năm 2024.

Tuy nhiên, thủy điện đã giảm, giảm khoảng 2% trong giai đoạn 2020-2022 so với số liệu của giai đoạn 1990-2016, tương đương khoảng 240 terawatt giờ, bằng mức tiêu thụ hàng năm của Tây Ban Nha.

IEA cho biết: “Dự đoán những thách thức đối với thủy điện liên quan đến biến đổi khí hậu và lập kế hoạch phù hợp sẽ rất quan trọng đối với việc sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thủy điện”.

Theo IEA, tăng trưởng năng lượng tái tạo sẽ giúp cắt giảm lượng khí thải toàn cầu, do lượng khí thải tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ được bù đắp bằng sự suy giảm ở các quốc gia khác, nơi việc triển khai năng lượng tái tạo đang gia tăng và khí đốt tự nhiên tiếp tục thay thế than đá.

Dữ liệu của IEA cho thấy chỉ riêng Liên minh châu Âu EU đã chiếm 40% tổng mức giảm phát thải từ sản xuất điện.

Trong nửa đầu năm nay, EU ghi nhận nhu cầu điện giảm 6% do các ngành sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm nhôm, thép, giấy và hóa chất, cắt giảm sử dụng do giá cao. Theo IEA, mùa đông tương đối ôn hòa cũng có tác động hạn chế hơn đối với việc giảm nhu cầu.

Giá điện bán buôn đã giảm đáng kể so với mức kỷ lục vào năm ngoái do sự gián đoạn vì cuộc xung đột Nga - Ukraina. Tuy nhiên, giá trung bình ở châu Âu vẫn cao hơn gấp đôi so với mức năm 2019, trong khi ở Ấn Độ tăng 80% và ở Nhật Bản tăng hơn 30%.

Trong khi đó, giá điện trung bình ở Mỹ đã giảm gần như về mức của năm 2019. Nhu cầu điện của nước này dự kiến giảm 1,7% vào năm 2023 do tăng trưởng kinh tế chậm lại và sẽ tăng trở lại vào năm 2024 là 2%, giảm từ mức 2,6% được ghi nhận vào năm 2022.

Tại Trung Quốc, nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng 5,3% vào năm 2023 và 5,1% vào năm 2024, sau khi tăng 3,7% vào năm 2022. Tăng cường sử dụng thiết bị làm mát để đối phó với các đợt nắng nóng mùa hè dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu điện ở Trung Quốc trong năm nay.

Mức tiêu thụ của Ấn Độ dự kiến tăng 6,8% vào năm 2023 và 6,1% vào năm 2024 - vượt qua mức tiêu thụ của Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại - nhưng giảm so với mức tăng 8,4% được ghi nhận vào năm 2022.

Sự gia tăng này chủ yếu là do tăng sử dụng các thiết bị gia dụng, máy móc điện, xe điện và nhu cầu làm mát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn