MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas. Ảnh: AFP

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023

Thanh Hà LDO | 01/02/2023 08:22

Tăng trưởng toàn cầu sẽ cao hơn dự kiến trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo ngày 30.1, nâng dự báo về mức tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ trong bối cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các quy định ngừa COVID-19 mang lại một động lực khác.

Tăng trưởng thế giới chịu ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraina cũng như suy thoái kinh tế và nỗ lực kiềm chế chi phí sinh hoạt tăng cao. Trong bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,9% trong năm nay. "Những rủi ro bất lợi đã giảm bớt" kể từ dự báo hồi tháng 10 năm ngoái, IMF nêu trong bản cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas chia sẻ với báo giới rằng, năm nay sẽ vẫn còn nhiều thách thức nhưng cũng có thể là một bước ngoặt với tăng trưởng chạm đáy ngưng diễn biến tồi tệ thêm và lạm phát giảm.

Đặc biệt, IMF nhận thấy Đức và Italia sẽ tránh được suy thoái trong năm nay, khác với những dự đoán trước đó, khi tăng trưởng của Châu Âu cho thấy sự "kiên cường hơn dự kiến" bất chấp những cú sốc từ xung đột ở Ukraina.

IMF cũng không dự kiến GDP toàn cầu sẽ giảm trong năm nay. Ông Gourinchas lưu ý, "chúng ta đang cách xa bất kỳ loại dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu nào". Dù triển vọng không xấu đi trong thời gian này, nhưng vẫn còn những thách thức phải vượt qua để đạt được sự phục hồi bền vững - ông nói.

IMF cho biết, hầu hết các nền kinh tế tiên tiến dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm nay, dẫn đến giảm tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên.

“Dự báo tăng trưởng thấp trong năm 2023 phản ánh việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát - đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến - cũng như xung đột ở Ukraina" - IMF cho hay. 

Dù tăng trưởng của Mỹ được dự đoán giảm xuống 1,4% trong năm 2023 và tăng trưởng của khu vực đồng euro được dự đoán giảm xuống 0,7% nhưng cả 2 con số này đều đã tăng so với dự báo hồi tháng 10 năm ngoái. 

“Tăng trưởng kinh tế đã chứng minh khả năng phục hồi một cách đáng ngạc nhiên trong quý III năm ngoái, với thị trường lao động mạnh mẽ, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh mạnh mẽ” - ông Gourinchas cho biết.

Ông nói thêm, các quốc gia cũng thích nghi tốt hơn dự kiến với cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu khi khu vực này có giá khí đốt thấp hơn dự đoán và có đủ nguồn lực để không xảy ra tình trạng thiếu hụt trong mùa đông.

Ông Gourinchas nhấn mạnh, lạm phát cũng có dấu hiệu giảm trên toàn cầu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại hứa hẹn sẽ mang tới sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động kinh tế của nước này. Trước đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từng đóng góp tới 40% tăng trưởng toàn cầu. Năm nay, mức tăng trưởng của Trung Quốc là 5,2% - cao hơn 0,8 điểm so với dự kiến trước đó - nhờ "sự cải thiện nhanh chóng về tính di động" sau khi kết thúc chính sách zero-COVID vào tháng 12.2022. 

Tuy nhiên, Anh lại ghi nhận sụt giảm trong dự báo tăng trưởng của IMF, với mức giảm 0,6% trong năm nay. Dự báo này công bố trong bối cảnh giá năng lượng cao tác động đến các hộ gia đình và doanh nghiệp, trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Dù có triển vọng lạc quan hơn nhưng IMF cảnh báo về nhiều rủi ro sắp xảy ra. Leo thang xung đột ở Ukraina có thể ảnh hưởng đến giá lương thực và năng lượng, đồng thời sự phục hồi của Trung Quốc cũng có nguy cơ bị đình trệ do khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng hoặc dịch COVID-19 tái bùng phát. 

Lạm phát dai dẳng cũng có thể khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ và chi phí đi vay tăng lên làm kìm hãm hoạt động kinh doanh. “Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa tới thắng lợi" - ông Gourinchas nói.

Lạm phát tổng thể có thể đã đạt đỉnh nhưng chỉ số lạm phát cơ bản -  chỉ số đo mức lạm phát loại trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng ở hầu hết các nền kinh tế vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Ngay cả khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn bắt đầu làm giảm nhu cầu và lạm phát thấp hơn, IMF cảnh báo rằng, "tác động đầy đủ của nó khó có thể được nhận ra trước năm 2024".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn