MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi trong cuộc phỏng vấn với AFP hôm 30.11, trong đó ông đã trả lời về Iran. Ảnh: AFP.

Iran gia tăng sức ép với IAEA sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân

Hải Anh LDO | 01/12/2020 13:32
Đặc phái viên của Iran tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna, Áo, đã chỉ trích Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vì giữ im lặng về vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh.

Đặc phái viên của Iran Kazem Gharibabadi chia sẻ với báo giới hôm 30.11, bày tỏ trông đợi IAEA có tuyên bố rõ ràng lập trường liên quan đến vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh và lên án mạnh mẽ hành động này.

“IAEA có trách nhiệm cơ bản và ngay lập tức hướng tới quốc gia thành viên (Iran) vốn đã chấp nhận các cuộc thanh tra ở cấp cao nhất của cơ quan, có chương trình hạt nhân minh bạch nhất khi thực hiện các cam kết khác nhau, nhưng các nhà khoa học của họ đang phải đối mặt với các mối đe dọa ám sát hoặc bị những kẻ khủng bố nhắm là mục tiêu, và các cơ sở hạt nhân đang bị tấn công hoặc bị nhắm là mục tiêu phá hoại” - Press TV dẫn lời ông Gharibabadi nói.

Phát biểu của đặc phái viên Iran nhằm chỉ trích người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc sau khi ông này từ chối lên án vụ ám sát Fakhrizadeh và cảnh báo Iran không nên dừng các cuộc thanh sát quốc tế với các địa điểm hạt nhân để phản ứng lại sau vụ ám sát.

Chia sẻ với AFP, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho rằng, điều quan trọng là "cung cấp cho thế giới những đảm bảo cần thiết và đáng tin cậy rằng không có sự chuyển hướng nào từ chương trình hạt nhân sang những mục đích sử dụng quân sự".

"Chúng tôi hiểu nỗi đau nhưng đồng thời rõ ràng là không một ai, bắt đầu từ Iran, có thể đạt được bất cứ điều gì để giành chiến thắng từ việc giảm, hạn chế hoặc gián đoạn công việc chúng tôi làm cùng với họ" - ông nói.

Phát biểu của người đứng đầu IAEA được đưa ra sau khi Quốc hội Iran yêu cầu Tehran phản ứng trước vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bằng cách hạn chế vai trò của Liên Hợp Quốc về giám sát chương trình hạt nhân của Iran.

Theo các nhà lập pháp Iran, hành động tàn bạo như vụ ám sát Fakhrizadeh đòi hỏi một phản ứng tức thì, trong đó nhấn mạnh cách trả đũa tốt nhất là thông qua “hồi sinh của ngành hạt nhân xuất sắc của đất nước bằng cách chấm dứt tự nguyện tuân thủ Nghị định thư bổ sung” và hạn chế chế độ kiểm tra chưa từng có của cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc.

Iran cam kết tuân thủ Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) như một phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tehran ký với các cường quốc.

Theo nghị định thư, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, được phép thực hiện các cuộc thanh sát hạt nhân của nước này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn