MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dấu vết cần sa được tìm thấy trên một bàn thờ đá tại ngôi đền cổ ở miền nam Israel - bằng chứng về việc sử dụng ảo giác trong tôn giáo Do Thái. Ảnh: Bảo tàng Israel

Israel bất ngờ phát hiện dấu vết cần sa tại ngôi đền cổ

Bảo Châu LDO | 03/06/2020 07:28

Các nhà khảo cổ Israel cho biết đã tìm thấy tàn dư cần sa trên các cổ vật từ một ngôi đền cổ ở miền nam nước này.

Hãng thông tấn AP dẫn một bài viết nghiên cứu khảo cổ học cho biết phát hiện ở một ngôi đền từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên tại Tel Arad đã đưa ra bằng chứng đầu tiên cho việc sử dụng các chất gây ảo giác như một phần của nghi lễ tôn giáo ở Judah, trong đó có đền thờ Do Thái đầu tiên nằm ở Jerusalem trong cùng thời gian đó.

Khai quật khảo cổ học tại Tel Arad, nằm khoảng 60 km về phía nam Jerusalem, trong những năm 1960 đã phát hiện ra một thành trì thuộc vương quốc cổ xưa của Judah, trong đó có một đền thờ nhỏ có nhiều nét tương đồng với đền thánh ở Jerusalem.

Nhưng trong nhiều thập kỷ, vẫn chưa thể xác định rõ thành phần hợp chất màu đen được tìm thấy trên hai bàn thờ đá thuộc khu bảo tồn bên trong của ngôi đền - hiện được đang được đặt tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem.

Phân tích hóa học về hợp chất màu đen này được tiến hành tại Đại học Do Thái và Viện Technion của Israel đã phát hiện ra rằng một bàn thờ có chứa các hợp chất tác động tới thần kinh được tìm thấy trong cần sa, và bàn thờ còn lại có dấu vết của trầm hương - một trong những thành phần được đề cập trong Kinh thánh dành cho việc tế lễ tại Đền thờ Do Thái cổ đại, theo các tác giả.

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ vào 29.5 trên tạp chí học thuật Tel Aviv - tạp chí của Viện Khảo cổ học của Đại học Tel Aviv.

Eran Arie, người phụ trách khảo cổ học thời đồ sắt tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết phát hiện này là ''một cuộc cách mạng'', vì đây là bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng cần sa ở vùng Cận Đông cổ đại và ''lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy chất gây ảo giác trong tôn giáo Judah''.

Yossi Garfinkel, giáo sư khảo cổ học thuộc Đại học Do Thái, không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng việc sử dụng rượu trong nghi lễ tôn giáo Do Thái, và một số dấu hiệu sử dụng chất gây nghiện ở những nơi khác trong khu vực, cho thấy đối với người Israel cổ đại là ''thể hiện mong muốn đạt tới trạng thái xuất thần và kết nối với Chúa trời''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn