MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sao Hải Vương và các vành đai trong ảnh chụp của kính James Webb. Ảnh: NASA

James Webb chụp ảnh rõ nét chưa từng có về hành tinh xa nhất Hệ Mặt trời

Thanh Hà LDO | 22/09/2022 09:10
Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA vừa chụp được những hình ảnh mới về sao Hải Vương và các vành đai khó phát hiện của hành tinh này. 

“Đã ba thập kỷ kể từ lần gần đây nhất chúng tôi thấy những vòng bụi mờ nhạt này và đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy chúng trong tia hồng ngoại" - Heidi Hammel, chuyên gia về sao Hải Vương và là nhà khoa học liên ngành trong dự án kính viễn vọng không gian James Webb, nêu trong thông cáo ngày 21.9. 

Ngoài một số vành đai hẹp, sắc nét, hình ảnh trên kính thiên văn James Webb cho thấy các dải bụi mờ hơn của sao Hải Vương. Một số vành đai của hành tinh này đã không được quan sát thấy kể từ khi tàu Voyager 2 của NASA chụp được bằng chứng hình ảnh đầu tiên về sự tồn tại của các vành đai sao Hải Vương trong chuyến bay năm 1989.

Ảnh sao Hải Vương do tàu vũ trụ Voyager 2 chụp năm 1989, kính thiên văn Hubble chụp năm 2021 và James Webb vào năm 2022. Ảnh: NASA

Tối tăm, lạnh lẽo và có gió siêu vượt âm thổi mạnh, sao Hải Vương là hành tinh xa nhất trong Hệ Mặt trời. Hành tinh này và láng giềng băng giá sao Thiên Vương nổi tiếng là "người khổng lồ băng giá" bởi chúng được tạo thành từ các nguyên tố nặng hơn những hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ, vốn giàu hydro và heli hơn.

Trong những hình ảnh mới, sao Hải Vương có màu trắng, trái ngược với màu xanh lam điển hình được chụp qua ánh sáng khả kiến. Điều này là do khí mêtan trên hành tinh. 

Ngoài ra, trong hình ảnh mới nhất của sao Hải Vương cũng có thể phát hiện ra đường sáng, mỏng bao quanh đường xích đạo của hành tinh, đó có thể là "một dấu hiệu trực quan của hoàn lưu khí quyển toàn cầu cung cấp năng lượng cho gió và bão của sao Hải Vương", theo thông cáo của NASA

Kính viễn vọng James Webb cũng chụp được 7 trong số 14 mặt trăng đã biết của sao Hải Vương, bao gồm cả mặt trăng lớn nhất là Triton. Các nhà thiên văn học cho rằng, Triton - mặt trăng di chuyển theo quỹ đạo ngược bất thường -  có khả năng là thiên thể trong Vành đai Kuiper ở rìa Hệ Mặt trời bị lực hấp dẫn của sao Hải Vương kéo vào. Các nhà khoa học có kế hoạch sử dụng kính James Webb để nghiên cứu sâu hơn về Triton và sao Hải Vương trong những năm tới.

Các mặt trăng của sao Hải Vương. Ảnh: NASA

Sao Hải Vương cách xa Mặt trời hơn 30 lần so với Trái đất. Ở khoảng cách đó, Mặt trời quá nhỏ và mờ nhạt nên buổi trưa trên sao Hải Vương tương tự như thời khắc chạng vạng trên Trái đất. 

James Webb là sứ mệnh kéo dài hơn 10 năm do NASA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada hợp tác thực hiện.

So với các kính thiên văn khác, tấm gương khổng lồ của James Webb có thể nhìn thấy các thiên hà mờ hơn ở xa hơn và có khả năng giúp các nhà khoa học hiểu hơn về nguồn gốc của vũ trụ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn