MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam (giữa), trong buổi họp báo ngày 21.10. Ảnh: JICA

JICA cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu kép

Ngọc Vân LDO | 22/10/2021 10:34
Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam Shimizu Akira khẳng định, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu kép: Vừa ứng phó COVID-19 vừa phát triển kinh tế.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam ứng phó COVID-19

Trả lời câu hỏi của Lao Động trong cuộc họp báo ngày 21.10, Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Phát triển Nhật Bản (JICA), ông Shimizu Akira cho biết JICA đánh giá cao và bày tỏ trân trọng nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh COVID-19 thời gian qua.

Việt Nam được đánh giá khống chế dịch bệnh thành công trong năm 2020, nhưng làn sóng COVID-19 trở lại trong năm nay khiến số ca mắc và tử vong tăng cao. Tuy nhiên, người dân Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của chính phủ về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như giãn cách xã hội, các bệnh viện thu dung và điều trị bệnh nhân, tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng nên đến hiện tại nhiều địa phương qua được đỉnh dịch.

Đồng hành với Việt Nam ứng phó dịch bệnh, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam hơn 4 triệu liều vaccine COVID-19, hơn 260 công ty Nhật Bản ủng hộ hơn 158,6 tỉ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Mặc dù đã qua đỉnh dịch, song theo JICA, hệ thống y tế Việt Nam cần phát triển hơn nữa để ngăn chặn nguy cơ lây lan diện rộng. Theo đó, ông Shimizu Akira cho hay, JICA sẽ tập trung vào hai ưu tiên. Trước hết là hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, và tăng cường trang thiết bị cũng như năng lực cho các bệnh viện tuyến dưới. Trong thời gian vừa qua, nhân viên y tế các bệnh viện được JICA hỗ trợ đã được điều ra tuyến đầu, đóng góp công sức vào việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ưu tiên thứ hai của JICA là tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, như tiếp tục hỗ trợ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM tăng cường năng lực xét nghiệm và kiểm soát bệnh truyền nhiễm, từ đó CDC các tỉnh sẽ nhận được sự hỗ trợ của hai viện đầu ngành này.

Ngoài ra, JICA đã hỗ trợ đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch của Việt Nam như viện trợ hệ thống xét nghiệm PCR, ECMO và các trang thiết bị cần thiết với tổng trị giá 450 triệu yên (khoảng 91 tỉ đồng); cung cấp hộp bảo quản lạnh vaccine, hỗ trợ giám sát bệnh truyền nhiễm và trang thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng số tiền viện trợ 800 triệu yen (163 tỉ đồng).

Hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế

Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, vừa phòng chống dịch, trong đó, cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế. JICA đã giúp Việt Nam triển các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương. Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản. Các dự án hoàn thành giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương.

Ngoài ra, để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, JICA đã và đang triển khai các dự án góp phần cải thiện đời sống của người dân Việt Nam như dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước. Dự án xây dựng đường sắt đô thị TPHCM bị đình trệ một thời gian do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nay đã được thi công trở lại. “Tôi mong rằng công trình sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động tại TPHCM để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” - Trưởng Đại diện JICA nói.

Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường nhật của mỗi người. Cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, nhiều lao động bị mất việc làm. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Nhằm giúp Chính phủ thực hiện những hỗ trợ đó, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.

Ông Shimizu Akira cho biết, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử; lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm ngoại giao. Nhật Bản đang tiến hành bầu cử và sẽ có một chính phủ mới, nhưng hỗ trợ của Nhật Bản với Việt Nam trong các lĩnh vực mang tính phổ quát như y tế, đầu tư công và phát triển nguồn nhân lực sẽ vẫn được duy trì, không thay đổi - Trưởng Đại diện JICA khẳng định.

“Nền tảng để Nhật Bản triển khai ODA ở Châu Á là sự kết nối giữa con người với con người, trái tim với trái tim. JICA sẽ nỗ lực hơn nữa đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với nhau, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước” - Trưởng Đại diện JICA nhấn mạnh.

Trong năm tài khóa 2020 từ tháng 4.2020 đến tháng 3.2021, tổng số tiền ODA Nhật Bản cam kết cho Việt Nam vay là 49,4 tỷ yên (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng). Tổng cộng có khoảng 100 dự án lớn nhỏ. Trong thời gian từ tháng 4.2021 đến tháng 9.2021 có 27 dự án hợp tác vốn vay ODA và 5 dự án viện trợ không hoàn lại đang triển khai. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn