MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khalid Shaikh Mohammed, một trong những kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố 11.9, vẫn chưa bị xét xử. Ảnh: AP

Kẻ chủ mưu vụ 11.9 vẫn chờ xét xử sau 21 năm tấn công khủng bố

Khánh Minh LDO | 11/09/2022 10:22
Một trong những kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố 11.9 vào nước Mỹ tiếp tục phải chờ xét xử, 21 năm sau sự kiện chấn động khiến 2.977 người chết.

Khi Khalid Shaikh Mohammed bị lôi ra khỏi nơi ẩn náu ở Rawalpindi, Pakistan vào tháng 3.2003, hắn là nghi phạm khủng bố nổi tiếng nhất có liên quan đến vụ tấn công 11.9 vẫn chưa bị bắt.

Mohammed bị giam ở Vịnh Guantanamo, Cuba để chờ xét xử - và ở đấy kể từ đó.

Đó là "một thảm kịch khủng khiếp cho gia đình của các nạn nhân" - tờ New York Post dẫn lời David Kelley, một cựu luật sư Mỹ tại New York, nói về chuyện chính phủ tiếp tục thất bại trong việc đưa kẻ chủ mưu vụ khủng bố vụ 11.9 ra xét xử.

Kelley - người đồng chủ trì cuộc điều tra toàn quốc của Bộ Tư pháp Mỹ về vụ tấn công 11.9 - cho biết tình hình tại Guantanamo là "một vết nhơ to lớn đối với lịch sử đất nước”.

Các chuyên gia cho rằng có thể khó xét xử Mohammed tại một tòa án dân sự vì “các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” (chỉ chương trình tra tấn người tù) mà CIA đã áp dụng. Theo giới phê bình, các phương pháp này bao gồm ít nhất 183 trường hợp trấn nước (waterboarding) - tương đương với tra tấn. Tình hình khiến không rõ liệu thông tin mà Mohammed nói trong thời gian đó có được chấp nhận tại một tòa án dân sự hay không.

Khalid Shaikh Mohammed trong nhà tù Vịnh Guantanamo năm 2017. Ảnh: AP

Các kế hoạch để xét xử Mohammed trong một tòa án quân sự cũng gặp trở ngại.

Gia đình của các nạn nhân nói rằng họ chỉ muốn kết thúc việc này. “Điều quan trọng đối với tôi là nước Mỹ cuối cùng cũng nhận ra sự thật về những gì đã xảy ra, nó đã được thực hiện như thế nào” - George Haberman, người có cô con gái 25 tuổi bị chết sau khi một trong những chiếc máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, nói.

Haberman đã đích thân đến nhà tù Guantanamo bốn lần để xem xét các thủ tục pháp lý nhưng đều thất vọng.

Theo ABC News, ngày 11.9.2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kỷ niệm 21 năm vụ tấn công 11.9 bằng một bài phát biểu và đặt vòng hoa tại Lầu Năm Góc.

Cùng ngày, Đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ phát biểu tại Đài Tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Shanksville, Pennsylvania. Phó Tổng thống Kamala Harris và phu quân sẽ tới thành phố New York để dự lễ tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Quốc gia ngày 11.9.

Sự kiện 11.9 là một loạt bốn cuộc tấn công khủng bố có sự tham gia của nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda nhằm vào nước Mỹ diễn ra vào sáng thứ Ba, ngày 11.9.2001.

Vào ngày này, bốn máy bay thương mại từ Đông Bắc Mỹ được lên kế hoạch hạ cánh xuống California. Khi những chiếc máy bay đang trong lộ trình bay, chúng đã bị cướp bởi 19 tên khủng bố al-Qaeda. Hai trong số đó, chuyến bay 11 của American Airlines và chuyến bay 175 của United Airlines, lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở Lower Manhattan. Trong vòng 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp 110 tầng đều sụp đổ.

Máy bay đâm vào Tháp Bắc Trung tâm Thương mại Thế giới, ngày 11.9.2001. Ảnh: Reuters TV

Sự sụp đổ của Trung tâm Thương mại Thế giới đã mở đầu cho sự sụp đổ của cấu trúc các tòa Trung tâm Thương mại Thế giới khác bao gồm Trung tâm Thương mại Thế giới số 7 và làm hư hại đáng kể những tòa nhà xung quanh.

Chuyến bay thứ ba, chuyến bay 77 của American Airlines, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Dulles đã bị cướp khi bay qua Ohio. Lúc 9h37 sáng, chuyến bay 77 đã đâm vào phía tây Lầu Năm Góc ở quận Arlington, Virginia, làm sụp đổ một phần phía tây.

Chuyến bay thứ tư và cũng là cuối cùng, chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu bay về hướng Washington D.C. nhưng đã rơi xuống cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania sau một cuộc giằng co giữa hành khách và không tặc. Các nhà điều tra xác định rằng mục tiêu của chuyến bay 93 là Điện Capitol hoặc Nhà Trắng.

Bức ảnh mang tính biểu tượng này chụp một người đàn ông rơi từ Tháp Bắc xuống. Ít nhất 200 người đã rơi hoặc nhảy từ tháp. Ảnh: AP

Ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra, mọi mối nghi ngờ nhanh chóng đổ dồn về phía al-Qaeda. Mỹ chính thức đáp trả bằng việc phát động cuộc chiến chống khủng bố và đưa quân vào Afghanistan nhằm hạ bệ Taliban, vốn không tuân theo yêu cầu của Mỹ về việc trục xuất al-Qaeda ra khỏi Afghanistan và dẫn độ thủ lĩnh Osama bin Laden.

Mặc dù ban đầu bin Laden phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào, nhưng vào năm 2004, trùm khủng bố chính thức thừa nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Al-Qaeda và bin Laden cho rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Saudi Arabia và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iraq là nguyên do chính.

Sau khi sống ẩn dật trong gần một thập kỷ, Osama bin Laden bị ám sát trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở Pakistan vào năm 2011.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn