MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 4.11, tại Bangkok, Thái Lan trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam. Ảnh: asean2019.go.th.

Khẳng định vị thế, uy tín và năng lực của Việt Nam với thế giới

Hải Anh LDO | 31/12/2019 21:20

Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên của ASEAN từ ngày 1.1.2020. Việc cùng lúc đảm nhận hai trọng trách ở tổ chức quốc tế và khu vực thể hiện vị thế, uy tín, khả năng, năng lực của Việt Nam trong đối ngoại đa phương. Nhiều quốc gia mong muốn và trông đợi Việt Nam sẽ phát huy sự đóng góp và trách nhiệm của mình. Cây viết Prashanth Parameswaran - biên tập viên cao cấp của tạp chí The Diplomat có trụ sở tại Washington, D.C, Mỹ nhận định, năm 2020 là một năm bận rộn với hoạt động đối ngoại của Việt Nam.

Năm hết sức bận rộn

Công việc của Việt Nam khi đảm nhận cương vị Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN quan trọng nhất là phải định hướng phát triển, dẫn dắt để các tổ chức này đem lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế, khu vực và cho chính Việt Nam.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 10 Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an hiện tại là Bỉ, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dominican, Guinea Xích đạo, Đức, Indonesia, Kuwait, Peru, Ba Lan và Nam Phi. Đầu năm 2020, Việt Nam cùng Estonia, Niger, Tunisia, Saint Vincent và Grenadines thay thế Bờ Biển Ngà, Guinea Xích đạo, Kuwait, Peru và Ba Lan - những nước kết thúc nhiệm kỳ 2 năm.

Là Ủy viên không Thường trực, Việt Nam sẽ nắm giữ một lá phiếu trong cơ quan quyền lực duy nhất của Liên Hợp Quốc mà mọi quyết định khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc đều có trách nhiệm tôn trọng và thi hành thay vì các quyết định chỉ mang tính khuyến nghị như 5 cơ quan còn lại của Liên Hợp Quốc (Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế và Ban Thư ký Liên Hợp Quốc).    

Trong lần thứ 2 là thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam đặt ra 7 ưu tiên. Việt Nam sẽ nỗ lực để đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột, phát huy ngoại giao phòng ngừa và giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp theo tinh thần Điều 6 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng sẽ cố gắng tham gia vào cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an và tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực. Việt Nam cũng sẽ chú trọng tham gia ý kiến vào những vấn đề lớn như bảo vệ dân thường, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân tại các nơi xung đột, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột vũ trang, khắc phục hiểm hoạ bom mìn còn sót lại từ thời chiến cũng như các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, chống tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh cũng sẽ là một vấn đề Việt Nam quan tâm trong năm tới.
Quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan. Ảnh: TL
 Từng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an (theo cơ chế luân phiên) vào tháng 7.2008 và tháng 10.2009. Chủ tịch sẽ chủ trì các cuộc họp Hội đồng Bảo an và khi được Hội đồng Bảo an cho phép sẽ đại diện cho hội đồng với tư cách là một cơ quan của Liên Hợp Quốc. Chương trình nghị sự tạm thời của mỗi cuộc họp của Hội đồng Bảo an sẽ do Tổng thư ký xây dựng và được Chủ tịch Hội đồng Bảo an thông qua.  

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”

Tháng 1.2020 cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm bản lề quan trọng với tổ chức khu vực và với Việt Nam. Việt Nam chọn chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, đồng thời đặt ra 5 ưu tiên gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Chủ tịch ASEAN 2020 cũng sẽ thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và nâng cao năng lực thích ứng cũng như hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 5 từ phải sang) cùng lãnh đạo các nước Asean và đại diện Mỹ tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35. Ảnh: P.V
 Trên cương vị dẫn dắt tổ chức hơn 50 năm tuổi đời, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đảm nhận việc tổ chức các chương trình nghệ thuật bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN...

Nâng cao năng lực, vị thế của Việt Nam

Cây viết Prashanth Parameswaran - biên tập viên cao cấp của Tạp chí The Diplomat có trụ sở tại Washington, D.C, Mỹ nhận định, năm 2020 là một năm bận rộn với hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Theo cây viết này, trong nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ nêu bật một số nội dung chủ đạo muốn thúc đẩy. 
Lễ xuất quân của Việt Nam làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Xu Đăng. Ảnh: P.V
 Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam - Việt Nam đảm nhận cương vị tại Hội đồng Bảo an diễn ra vào thời điểm “vị thế Việt Nam rất được tăng cường, năng lực của Việt Nam tham gia đóng góp cho công việc quốc tế cũng được nâng cao”. Việt Nam đã tham gia sâu rộng hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đăng cai nhiều hội nghị quốc tế lớn trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, góp phần đóng góp tiến trình giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên - vấn đề thuộc lĩnh vực của Hội đồng Bảo an. Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng, do đó, với chính sách đối ngoại vì hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc “Việt Nam có khả năng, năng lực để đóng góp tốt” cho các nỗ lực này.

“Việt Nam đã ngày càng đóng góp sâu rộng, trách nhiệm và tích cực hơn trong các công việc của khu vực nói chung, đặc biệt là duy trì đoàn kết ASEAN” - ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, năm 2020, khi đảm nhận vai trò kép ở Hội đồng Bảo an và ASEAN, nếu kết hợp được 2 nhiệm vụ - nhiệm vụ mang tính toàn cầu ở Hội đồng Bảo an và nhiệm vụ mang tính khu vực ở ASEAN - Việt Nam sẽ làm tốt trách nhiệm của mình, đồng thời có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khu vực về thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật pháp quốc tế cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, hoàn thành tốt trách nhiệm của Chủ tịch, Việt Nam sẽ góp phần củng cố đoàn kết và gắn kết ASEAN, nâng cao sức mạnh nội khối, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Hiệp hội cũng như nâng cao vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.

Trong một bài viết khác về cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam, cây viết Prashanth Parameswaran điểm lại 2 lần làm Chủ tịch ASEAN năm 1998 và 2010, Việt Nam đã giúp thúc đẩy một số ưu tiên, trong đó có thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á, phát triển các thể chế mới và kết nối các cường quốc khác.

Cây viết này nhận định “điều quan trọng là nhận thấy rằng bối cảnh cho vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã khác so với những gì được chứng kiến năm 2010”. “Kể từ đó, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong tăng cường mối quan hệ với các cường quốc lớn, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Australia và Liên minh Châu Âu” - cây viết của The Diplomat bình luận. Đánh giá cao vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam sau 25 năm đồng hành với ASEAN, ông cho rằng: “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 sẽ là một diễn biến xứng đáng để theo dõi sát sao trong thời gian còn lại của năm nay và trong năm tới”.

Vai trò của Hội đồng Bảo an và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an

Hội đồng Bảo an là 1 trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm chủ đạo trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột, tranh chấp giữa các quốc gia, trong đó có việc triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình. Đặc biệt, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có thể ra các quyết định có tính ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc.

Hội đồng Bảo an gồm 15 ủy viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, gọi tắt là P5) với quyền phủ quyết (veto) và 10 nước ủy viên không thường trực (gọi tắt là E10), được bầu với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, mỗi năm sẽ có 5 thành viên hết nhiệm kỳ và các thành viên sẽ bỏ phiếu bầu mới 5 thành viên mới vào. Uỷ viên không Thường trực phân bổ theo 5 khu vực địa lý gồm: 5 cho Nhóm Châu Phi và Châu Á - Thái Bình Dương; 2 cho Nhóm Mỹ Latinh và Caribe, 2 cho Nhóm Tây Âu, 1 cho Nhóm Đông Âu.

Các uỷ viên Hội đồng Bảo an, dù là ủy viên thường trực hay không thường trực, đều có quyền và trách nhiệm tham gia tất cả các hoạt động này, đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong thời gian một tháng theo thứ tự luân phiên. Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.

Vai trò của Chủ tịch ASEAN

Hiến chương ASEAN quy định rằng tất cả các quốc gia thành viên sẽ thay phiên nhau làm Chủ tịch của ASEAN. Chủ tịch của ASEAN xoay vòng hằng năm, dựa trên thứ tự chữ cái tên tiếng Anh của các quốc gia thành viên. Theo quy định của Hiến chương ASEAN, Chủ tịch ASEAN có các nhiệm vụ chính: Tổ chức các cuộc họp cấp cao của ASEAN; Đảm bảo tính trung tâm của ASEAN; Đảm bảo đáp ứng hiệu quả và kịp thời cho các vấn đề khẩn cấp hoặc tình huống khủng hoảng ảnh hưởng đến ASEAN; Đại diện cho ASEAN trong việc tăng cường và thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác bên ngoài; Thực hiện các nhiệm vụ và chức năng khác được uỷ nhiệm. SONG MINH

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn