MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đồ tạo tác trong cuộc khai quật khảo cổ ở Hail, Saudi Arabia. Ảnh: Ủy ban Du lịch và Di sản Quốc gia Saudi Arabia/SPA

Khảo cổ 350.000 tuổi hé lộ nơi cư trú lâu đời nhất của người cổ đại ở Arab

Khánh Minh LDO | 13/05/2021 11:15
Saudi Arabia vừa khai quật khảo cổ khu di chỉ 350.000 năm tuổi hé lộ một trong những nơi cứ trú lâu đời nhất của người cổ đại ở Bán đảo Arab.

Một trong những địa điểm cư trú lâu đời nhất thế giới của loài người ở Bán đảo Arab đã được tìm thấy ở tỉnh Hail, phía tây bắc Saudi Arabia.

Hãng thông tấn Saudi Arabia SPA đưa tin, phát hiện về nơi cư trú lâu đời nhất của con người ở Bán đảo Arab đã được tiết lộ trong một bài báo trên tạp chí Nature Scientific Report.

Địa điểm khai quật khảo cổ Al Nasim cho thấy bằng chứng môi trường cổ đại về các hồ và sông nước ngọt, cũng như các đặc điểm địa mạo liên quan đến vật liệu của thế Pleistocen giữa.

Ủy ban Du lịch và Di sản Quốc gia Saudi Arabia bắt đầu tiến hành những khảo sát cổ sinh và khảo cổ học của Dự án Arab Xanh hơn 10 năm trước với sự hợp tác của Hiệp hội Max Planck Đức, Đại học Oxford Anh, Cơ quan Khảo sát Địa chất Saudi Arabia và Đại học King Saudi ở Riyadh.

Cuộc khảo sát cho thấy Bán đảo Arab có điều kiện ẩm ướt hơn và khí hậu mưa nhiều ở miền trung. Điều này dẫn đến sự hình thành của các hồ, sông, thung lũng và thảm thực vật góp phần vào cách sống tốt hơn cho con người và làm thay đổi sự phân bố không gian của tông người hominin trong và giữa các lục địa.

Các nghiên cứu khảo cổ cũng cho rằng, loài người sớm nhất cư trú ở Tây Nam Á và nền văn minh Acheulean có một trong những truyền thống chế tạo công cụ lâu đời nhất.

Các đồ tạo tác được tìm thấy bao gồm rìu cầm tay và công cụ bằng đá, cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách sống của cư dân.

“Al Nasim được cho là một trong những địa điểm của nền văn minh Acheulean lâu đời nhất được phát hiện ở Saudi Arabia, tiết lộ các tổ hợp công cụ đá đa dạng theo khu vực được sử dụng bởi người thế Pleistocen giữa, đồng thời cho thấy một mô hình nhiều lần nhập cư vào bán đảo trong giai đoạn Arab Xanh ẩm ướt" - hãng tin SPA cho hay.

Địa điểm này bao gồm một lòng chảo sâu và hẹp, nơi một số đồ tạo tác thời kỳ đồ đá cũ đã được phục hồi, tương tự như những đồ tạo tác được tìm thấy trước đây tại các địa điểm Acheulean trong sa mạc Nefud.

Sự tương đồng giữa những khám phá của Acheulean ở Al Nasim và những khám phá ở sa mạc Nefud cho thấy, những hồ nước của vùng này đã tạo ra một hành lang quan trọng cho con người đi lại và gặp gỡ nhau.

Năm ngoái, Ủy ban Di sản đã phát hiện ra dấu vết của con người, voi và lạc đà cùng các loài động vật khác tại một ngọn núi đá khô có niên đại hơn 120.000 năm trước ở Tabuk.

Đây là phát hiện đầu tiên với bằng chứng khoa học về dấu chân lâu đời nhất của con người và động vật ở Bán đảo Arab.

Các chuyên gia Saudi Arabia tại Ủy ban Di sản tiếp tục làm việc trong Dự án Arab Xanh cùng với các chuyên gia từ Viện Max Planck để nghiên cứu những thay đổi khí hậu ở Bán đảo Arab theo thời gian và lịch sử của những cuộc di cư người cổ đại từ các lục địa khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn