MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xác của Dogor, một loài chó được nuôi bởi con người trong quá khứ. Ảnh: Học viện Khoa học Cộng hòa Sakha

"Khảo cổ băng hà" hưởng lợi từ sự nóng lên của Trái đất

Anh Vũ LDO | 03/11/2021 10:36
Trái đất đang ấm dần khiến cho lớp băng vĩnh cửu ở nhiều nơi bắt đầu tan chảy. Bên cạnh những vấn đề đáng lo ngại khi hiện tượng này xảy ra, một số ít nhà khảo cổ học lại cho rằng đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về tổ tiên của chúng ta.

Theo The New York Times, nhiều địa điểm đã bị đóng băng sâu trong lòng lớp băng vĩnh cửu. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh, băng vĩnh cửu và sông băng đang tan và xói mòn nhanh chóng trên khắp Trái đất, giải phóng nhiều thứ mà chúng đã che giấu suốt hàng ngàn năm và tiết lộ các khía cạnh của cuộc sống trong quá khứ.

Những phát hiện đầu tiên

Bộ môn khảo cổ học băng hà là môn nghiên cứu tương đối mới. Phát hiện đầu tiên làm người ta quan tâm tới bộ môn khảo cổ này là Người băng, một xác chết được phát hiện trên dãy núi Ötztal ở gần biên giới Italia và Áo. Ban đầu bị nhầm với một vận động viên leo núi thời hiện đại thiệt mạng trong một vụ tai nạn leo núi nhưng người băng Ötzi đã được xác định niên đại carbon và kết luận đã chết cách đây khoảng 5.300 năm.
Hình phục dựng của người băng Ötzi. Ảnh: Bảo tàng khảo cổ học Nam Tyrol

6 năm sau, trên cánh đồng tuyết tại Yukon, các công cụ săn bắn có niên đại hàng nghìn năm cũng được tìm thấy. Ngay sau đó, những phát hiện tương tự cũng được báo cáo ở Tây Canada, dãy núi Rockies và dãy Alps của Thụy Sĩ.

Vào năm 2006, một mùa thu dài, nóng nực ở Na Uy dẫn đến sự bùng nổ của những khám phá mới ở vùng núi Jotunheimen đầy tuyết. Trong số tất cả các hiện vật được tìm thấy, có cả một đôi giày dáng Oxford 3.400 năm tuổi được tạo ra từ lớp da tuần lộc.

Những phát hiện này đã đặt nền móng và khiến cho công chúng quan tâm hơn tới bộ môn khảo cổ học băng hà và thúc đẩy sự phát triển của nó.

Đi sâu nghiên cứu

Khi mới bắt đầu, những phát hiện chủ yếu là cổ vật từ thời kỳ đồ sắt và thời trung cổ, khoảng 500 đến 1.500 năm trước. Nhưng khi băng tan ngày càng nhiều, các giai đoạn lịch sử lâu đời hơn đang được phơi bày. Tiến sĩ Lars Holger Pilo, đồng giám đốc của Chương trình khảo cổ học trên sông băng cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã tìm được những đồ vật từ thời kỳ đồ đá ở một số nơi, với những mảnh có tuổi đời lên tới 6 thiên niên kỷ".

Đến nay, Chương trình Khảo cổ học Glacier đã phục hồi được khoảng 3.500 hiện vật, nhiều hiện vật được bảo quản trong tình trạng đặc biệt tinh vi. Na Uy có hơn một nửa số lượng cổ vật thời tiền sử và trung cổ được che giấu bởi băng trên toàn cầu. Tại Nga, các nhà khoa học đã tái tạo mô sinh sản từ những quả chưa chín của một loài hoa lá hẹp từ 32.000 năm trước.
Mảng băng Langfonne ở Na Uy. Ảnh: Chương trình khảo cổ học trên sông băng, Hội đồng hạt Innlandet

Bên cạnh đó, xác của một số loài vật xa xưa cũng được phát hiện dưới lớp băng. Các nhà nghiên cứu đã đào được một con chó con 18.000 năm tuổi trông rất khác với loài chó đang sống ngày nay. Love Dalén, một nhà di truyền học người Thụy Điển, người đã giải trình tự bộ gene của sinh vật, cho biết: “Đây có thể là một liên kết tiến hóa giữa chó sói và chó hiện đại. Nó được đặt tên là Dogor, có nghĩa là ‘bạn’ trong tiếng Yakut và cũng là một cách chơi thông minh cho câu hỏi chó hay sói”.

Hướng tới tương lai

Các nhà khảo cổ băng hà hay đùa với nhau rằng nghề của họ là một trong số ít nghề được hưởng lợi từ việc biến đổi khí hậu. Tuy vậy, ngay khi băng tan chảy họ cũng gặp phải một thách thức lớn trong công việc: bảo quản hiện vật.

Sau khi các vật liệu hữu cơ mềm - da, vải dệt, da mũi tên – được được tìm thấy, các nhà nghiên cứu có nhiều nhất một năm để khai quật chúng để bảo tồn trước khi các hiện vật này xuống cấp và ra đi vĩnh viễn. “Sau khi chúng xuống cấp, cơ hội của chúng tôi để tìm hiểu quá khứ và chuẩn bị cho tương lai trở nên rất nhỏ nhoi” - Tiến sĩ Taylor nói.

E. James Dixon, cựu giám đốc Bảo tàng Nhân loại học Maxwell tại Đại học New Mexico, cũng đồng ý với điều đó. Ông nói: “Quy mô thiệt hại sẽ đến với các nhà khảo cổ học nghiên cứu các địa điểm này là quá lớn. Nó giống như một cuộc đại tuyệt chủng khảo cổ học, trong đó một số loại địa điểm nhất định sẽ biến mất gần như cùng một lúc".

Biến đổi khí hậu đã kéo theo hàng loạt hậu quả. Ở một số vùng của Alaska, hơn 1,5km đường bờ biển đã bị ngắn lại trong 80 năm qua, và cùng với đó là toàn các khu vực khảo cổ và hóa thạch. Tiến sĩ Knecht nói: “Các địa điểm và mẫu vật không chỉ bị rửa trôi, mà còn đang thối rữa trong lòng đất".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn