MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khỉ đột và tinh tinh "có nguy cơ mắc COVID-19 từ người"

Thanh Hà LDO | 16/04/2020 18:44
Khỉ đột và tinh tinh cũng như các loại khỉ hình người loại lớn khác có nguy cơ mắc COVID-19 từ người bởi chúng có khoảng 97-99% ADN giống với người, một nhà bảo tồn hàng đầu cảnh báo. 

Sau thông tin con hổ Sở thú Bronx, New York, Mỹ mắc COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhà bảo tồn Ian Redmond nêu lo ngại về nguy cơ với các loài động vật khác. 

Ông cho biết, tất cả các loại khỉ hình người loại lớn - khỉ đột, tinh tinh lùn (hay vượn Bonobo), tinh tinh và đười ươi - có thể đặc biệt gặp nguy hiểm khi có từ 97% đến 99% ADN giống với con người. 

"Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy loài khỉ hình người loại lớn dễ bị nhiễm mầm bệnh đường hô hấp của con người. Do đó, chúng rất dễ bị mắc COVID-19 và có thể có tỉ lệ tử vong cao hơn ở người" - Sky News dẫn lời nhà sinh vật học nhiệt đới nổi tiếng. 

Trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm, từ Ebola tới HIV được biết tới là do truyền từ động vật sang người, các nhà nghiên cứu từ lâu cũng tìm hiểu cách thức các bệnh này lây truyền theo hướng khác. 

Năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Emory, Mỹ, cho thấy 58% tinh tinh tại các khu bảo tồn ở Uganda và Zambia đang mang các chủng tụ cầu khuẩn kháng thuốc. Những tụ cầu khuẩn này vốn gây ra các cục u, vết loét và nốt rộp trên da người. Các nhà nghiên cứu cho biết, các bệnh lây nhiễm có khả năng mắc từ các bác sĩ thú y làm việc với tinh tinh.

Trong báo cáo cuối cùng, nhà sinh thái học về bệnh linh trưởng của trường đại học Thomas Gillespie kết luận, mầm bệnh mới từ con người là "một trong những mối đe dọa lớn nhất" những khỉ hình người loại lớn phải đối mặt.

Ông Redmond - người nổi tiếng với công việc liên quan tới khỉ đột trong suốt 35 năm, cho biết, việc mắc phải những căn bệnh mới của con người ở những khỉ hình người loại lớn có khả năng trở thành "thảm kịch".

Ông lưu ý, COVID-19 do một virus mới gây ra nên không có thông tin gì về tỉ lệ tử vong ở khỉ hình người loại lớn. "Chúng tôi biết rằng một số bệnh gây ra tỉ lệ tử vong cao hơn ở các loài có liên quan chặt chẽ và rủi ro lớn hơn đối với khỉ đột và tinh tinh và vượn Bonobos bởi chúng thích các nhóm xã hội" - ông nói. 

Là chủ tịch của Liên minh Khỉ - một liên minh trên toàn thế giới gồm hơn 100 tổ chức bảo tồn, ông Redmond đang đề xuất việc thăm thú khỉ hình người loại lớn nên ngừng lại và nghiên cứu thực địa với chúng cũng nên giảm đi trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhiều địa điểm nghiên cứu và du lịch đã thực hiện các động thái để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19, trong đó cơ hội cho du khách thăm thú ở các điểm đến như Indonesia và Uganda đã bị tạm dừng.

Ngoài ra, những người làm việc với khỉ hình người loại lớn cũng tuân thủ gia tăng khoảng cách tối thiểu cần thiết. 

Trên thực tế, cho tới nay, chưa có ca nghi mắc hoặc được xác nhận mắc COVID-19 ở khỉ hình người loại lớn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn