MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công ty Trung Quốc đang cạnh tranh xuất khẩu kit thử COVID-19 sang Châu Âu. Ảnh: Shutterstock

Khi Trung Quốc xuất khẩu kit thử COVID-19

Khánh Minh LDO | 01/04/2020 14:10

Trung Quốc chưa bao giờ là công ty hàng đầu thế giới trong việc phát triển dụng cụ chẩn đoán, do các công ty Châu Âu và Mỹ luôn thống trị thị trường này. Nhưng đối với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện giờ, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp các bộ kit thử quan trọng.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Khi nỗi sợ bùng phát virus Corona ở Trung Quốc bắt đầu vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi tháng Giêng, một nhóm kỹ thuật viên đã cố thủ trong một cơ sở ở Nam Ninh, làm việc ngày đêm với thức ăn duy nhất là mì tôm để phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán virus.

Ngay tại thời điểm đó, virus Corona mới đã hoành hành tại thành phố Vũ Hán và tiếp tục lây lan ra khắp Trung Quốc với tốc độ chóng mặt. Một số ít các bộ xét nghiệm chẩn đoán đã được chính quyền trung ương ở Bắc Kinh chấp thuận, nhưng hàng trăm công ty ở Trung Quốc vẫn tiếp tục cạnh tranh phát triển các bộ kit thử mới. 

“Tôi không nghĩ đến việc xin phê duyệt tại Trung Quốc” - Zhang Shuwen, người sáng lập công ty sản phẩm sinh học Nanjing Liming Bio-Products nói với tờ SCMP. “Việc này tốn quá nhiều thời gian. Khi chúng tôi được chấp thuận thì có lẽ dịch bệnh đã đạt đến đỉnh điểm”.

Thay vào đó, Zhang tham gia vào nhóm các nhà xuất khẩu Trung Quốc bán bộ kit thử cho các nước trên thế giới trong bối cảnh đại dịch lan rộng ra ngoài. Hiện tình hình dịch bệnh trong nước đã phần nào được kiểm soát, dẫn đến nhu cầu sụt giảm rõ rệt.

Vào tháng hai, Zhang nộp đơn đăng ký bán 4 dụng cụ xét nghiệm tại Liên minh Châu Âu, và đến tháng 3 chính thức được cấp chứng nhận CE - chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về sức khoẻ, an toàn và môi trường của EU. Hiện tại, Zhang đang có rất nhiều đơn đặt hàng đến từ những quốc gia như Italia, Tây Ban Nha, Áo, Hungary,  Pháp, Iran, Saudi Arabia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Hiện chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng đến nỗi chúng tôi phải làm việc cả tuần đến 9 giờ tối mỗi ngày. Chúng tôi đang cân nhắc tới việc hoạt động 24 tiếng 1 ngày, với mỗi công nhân làm mỗi ngày 3 ca” - Zhang nói.

Ước tính hiện tại có hơn 3 tỉ người đang bị phong toả trên toàn thế giới, với số ca tử vong do COVID-19 gần 38.000 người, tính đến ngày 31.3.

Châu Âu và Mỹ hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh, với tâm dịch chuyển từ Vũ Hán sang Italia, Tây Ban Nha và New York. Sự thiếu hụt công cụ xét nghiệm đồng nghĩa với việc thay vì được chẩn đoán, bệnh nhân được coi có “nguy cơ nhiễm bệnh thấp” và được yêu cầu cách ly tại nhà.

“Vào đầu tháng hai, một nửa bộ dụng cụ của chúng tôi đã được bán tại Trung Quốc, nửa còn lại được bán ra nước ngoài. Hiện hầu như không còn đơn đặt hàng nội địa nào. Đối tượng nội địa duy nhất hiện tại là những người Trung Quốc trở về từ nước ngoài” - giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn BGI - công ty giải trình tự bộ gene lớn nhất Trung Quốc - cho biết. 

Vào đầu tháng hai, BGI đã sản xuất 200.000 bộ dụng cụ xét nghiệm mỗi ngày từ nhà máy ở Vũ Hán. Nhà máy với khoảng vài trăm người đã hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày khi phần lớn thành phố bị đóng cửa. Hiện tại, ông cho biết công ty đang sản xuất 600.000 bộ mỗi ngày và vừa trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên được phê duyệt khẩn cấp để bán các bộ xét nghiệm PCR tại Mỹ.

Tính đến ngày 26.3, đã có 102 công ty Trung Quốc được cấp phép tiếp cận thị trường Châu Âu, theo ông Song Haibo - Chủ tịch Hiệp hội Chẩn đoán In vitro (chẩn đoán trong phòng thí nghiệm) tại Trung Quốc - so với chỉ một công ty được cấp phép tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều công ty trong số này lại không được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia cấp phép để bán tại thị trường đại lục. Trên thực tế, chỉ có 13 công ty được cấp phép bán bộ dụng cụ xét nghiệm PCR tại Trung Quốc, với 8 công ty bán bộ kit thử đơn giản hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả mặt hàng xuất khẩu sang Châu Âu đều được đảm bảo. Trung Quốc đã xuất khẩu 550 triệu khẩu trang, 5,5 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm và 950 máy thở cho Tây Ban Nha với chi phí 432 triệu euro (480 triệu USD) trước đó vào tháng ba, nhưng xuất hiện những lo ngại về chất lượng của các sản phẩm xét nghiệm. Tờ Hoàn cầu Thời báo cảnh báo chính phủ các nước chỉ nên mua sản phẩm từ những công ty đã được Đại sứ quán Trung Quốc đề xuất.

Thiếu hụt nguồn cung

Chính phủ các nước đang ngày càng hướng về Trung Quốc và Hàn Quốc, một trong số ít những nước có sẵn bộ dụng cụ xét nghiệm. Hôm 26.3, hãng hàng không Aer Lingus của Ireland tuyên bố sẽ điều 5 chiếc máy bay lớn nhất của mình đến Trung Quốc để nhận thiết bị y tế, bao gồm 100.000 bộ dụng cụ xét nghiệm mỗi tuần, đồng nghĩa với việc Ireland sẽ cùng một loạt quốc gia khác sử dụng máy bay thương mại làm máy bay chở hàng. 

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, ngay cả khi có một cú hích như vậy, Trung Quốc vẫn khó có thể đáp ứng tất cả nhu cầu trên thế giới khi nhu cầu này có thể được mô tả bằng từ “vô hạn”.

Huaxi Securities - một công ty đầu tư của Trung Quốc - tuần trước đã ước tính nhu cầu của thế giới về dụng cụ xét nghiệm rơi vào khoảng 700.000 bộ mỗi ngày, con số này vẫn khá khiêm tốn so với việc vẫn còn rất nhiều quốc gia khác hiện đang bị phong toả dẫn đến nhu cầu xét nghiệm cao.

“Một khi virus trở nên không thể kiểm soát, tôi không chắc các nước có thể xét nghiệm theo như mong muốn của tất cả mọi người, cho dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa” - Ryan Kemp - Giám đốc giải pháp axit nucleic tại Zymo Research - một nhà sản xuất của Mỹ - cho biết.

Hiệp hội Chẩn đoán In vitro Trung Quốc ước tính rằng nếu kết hợp năng lực của các công ty được cấp phép tại Trung Quốc với Liên minh Châu Âu, có thể sản xuất đủ bộ xét nghiệm cho 3 triệu người mỗi ngày, bằng cả PCR lẫn kháng thể. 

Tính đến ngày 26.3, Mỹ đã xét nghiệm tổng cộng 552.000 người. Stephen Sunderland, một đối tác tập trung vào công nghệ y tế tại LEK Consulting có trụ sở tại Thượng Hải, ước tính rằng nếu Mỹ và Liên minh Châu Âu theo mức độ xét nghiệm của Hàn Quốc, thì sẽ cần tổng cộng 4 triệu xét nghiệm. Do đó, khả năng cao là những công ty sản xuất sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu, ít nhất là trong thời gian tới. 

Sản xuất công cụ xét nghiệm khác hoàn toàn với sản xuất khẩu trang, nguồn tin từ BGI cho biết, đồng thời cảnh báo rằng những công ty không chuyên như Ford, Xiaomi hay Tesla sẽ không có khả năng sản xuất bộ xét nghiệm, do sự phức tạp cũng như rào cản xuất khẩu. 

Việc mở rộng nhà máy hiện tại là bất khả thi do những thay đổi thủ tục liên quan. Không gian sản xuất bộ xét nghiệm phải đáp ứng các tiêu chuẩn lâm sàng chặt chẽ, do đó, quá trình phê duyệt cơ sở mới sẽ mất từ 6 đến 12 tháng. Nhà máy phải được công nhận và đáp ứng đủ chỉ tiêu, do đó việc tăng năng suất ngay lập tức là rất khó và mất rất nhiều thời gian. Sự bùng phát dịch bệnh cũng đã làm giảm sút nguyên vật liệu dùng trong sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dụng cụ trên thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn