MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn người Iraq tham gia tang lễ tưởng niệm tướng Qasem Soleimani ở Baghdad. Ảnh: NN

Khó có đối đầu quân sự trực diện Mỹ - Iran

Ngọc Vân (thực hiện) LDO | 08/01/2020 07:36

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai nhận định với PV Lao Động:  Mặc dù căng thẳng có thể leo thang sau cái chết của tướng Iran Qasem Soleimani, song khó có khả năng Mỹ và Iran sẽ đối đầu quân sự trực diện.

Thưa Đại sứ, tại sao Tổng thống Donald Trump ra quyết định không kích hạ sát tướng Iran Qasem Soleimani vào thời điểm này?

- Tôi cho rằng hành động tấn công vào lực lượng Iraq và việc ám sát tướng Soleimani của Iran là vi phạm độc lập, chủ quyền của Iraq. Vụ không kích diễn ra trên đất Iraq, nhằm vào một nhân vật có quan hệ tốt với chính phủ Iraq, là cố vấn của chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây còn là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bởi cuộc không kích diễn ra trên lãnh thổ của nước khác mà không được thông báo cho chính quyền sở tại. Ngoài ra, cuộc tấn công còn vi phạm luật pháp của Mỹ, bởi đây là quyết định cá nhân của Tổng thống Donald Trump mà không được sự cho phép của Quốc hội.

Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang gặp bê bối luận tội trong nước. Ngày 18.12.2019, Hạ viện đã thông qua bản luận tội ông Donald Trump với cả hai cáo buộc là lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Tổng thống sẽ phải đối mặt với phiên xử ở Thượng viện, dự kiến trong tháng 1.2020, mặc dù khả năng bị luận tội là không cao. Tôi cho rằng, việc ông Donald Trump tiến hành tấn công lực lượng Iraq và hạ sát tướng Soleimani là nhằm đánh lạc hướng dư luận đang tập trung vào luận tội.

Năm 2020 cũng là năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Có thể ông Donald Trump tính toán rằng, quyết định loại bỏ tướng Soleimani là nhằm thể hiện sự bảo vệ công dân Mỹ và qua đó tranh thủ lá phiếu của cử tri nước này.

Đại sứ nhận định thế nào về những phản ứng của Mỹ và thế giới đối với việc sát hại nhân vật quyền lực số 2 của Iran. Hậu quả của việc này với khu vực và thế giới là thế nào?

- Hầu hết các nước trên thế giới đều cho rằng, hành động giết hại Tư lệnh quân đoàn Quds của Vệ binh Cách mạng Iran dẫn đến leo thang căng thẳng mới ở Trung Đông và thế giới. Bản thân nội bộ Mỹ cũng có phản ứng mạnh mẽ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã yêu cầu Tổng thống Donald Trump giải trình. Quần chúng Mỹ có nhiều cuộc biểu tình phản đối quyết định của ông Donald Trump để ngăn chặn cuộc chiến tranh có thể xảy ra.  Tôi cho rằng quyết định mạo hiểm của Tổng thống Donald Trum không có lợi cho chính bản thân ông ấy. Ông Donald Trump có thể nghĩ rằng thông qua việc này để đánh lạc hướng và tranh thủ lá phiếu, nhưng điều đó vô hình chung lại một lần nữa làm dấy lên phong trào chống Mỹ. Ở trong nước Mỹ, ông Donald Trump cũng bị chính giới và quần chúng chĩa mũi dùi vào bởi ông đã hành động mà không cần sự cho phép của quốc hội.

Vậy Iran có thể đáp trả thế nào và liệu có nguy cơ bùng phát chiến tranh không, thưa Đại sứ?

- Các nhà phân tích chính trị cho rằng vụ việc nói trên có thể dẫn đến chiến tranh như Iran đã tuyên bố mạnh mẽ sẽ trả thù khốc liệt. Một số kịch bản có thể xảy ra là Iran bắn tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và khu vực, thậm chí tấn công Israel. Nhiều khả năng Iran cũng có thể sẽ đáp trả bằng cách sử dụng mật vụ tiến hành ám sát quan chức cao cấp của Mỹ ở Trung Đông và thế giới, thông qua lực lượng thân Iran ở khu vực như Hezbollah, Houthi, Hamas...

Cuộc đối đầu quân sự trực diện Mỹ - Iran không có lợi cho cả đôi bên và sẽ đem lại hậu quả thảm khốc. Nhưng tôi cho rằng cả hai bên không muốn chiến tranh trực tiếp, và trên thực tế Tổng thống Donald Trump đã có những tuyên bố hạ nhiệt rằng không muốn lật đổ chính quyền Iran. Tháng 6 năm ngoái, sau vụ Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn quyết định không kích một loạt mục tiêu của Iran, nhưng sau đó đột ngột rút lại vào phút chót, với lý do đây không phải là một phản ứng phù hợp và ông sẽ không vội vã hành động.

Ngoài ra, các đồng minh của Mỹ, chính giới Mỹ cũng không ủng hộ chiến tranh, bởi nước Mỹ đã tiêu tốn không biết bao tiền của vào các cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh. Từ những lý do trên, cá nhân tôi cho rằng khó có khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran.

Vậy thoả thuận hạt nhân Iran liệu còn cơ hội nào không, thưa Đại sứ?

- Iran đã thông báo là hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015. Chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani nêu rõ, nước này sẽ không tuân thủ các giới hạn của thỏa thuận về việc làm giàu nhiên liệu, về quy mô của kho dự trữ uranium đã làm giàu cũng như về các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đây chính là một trong những biện pháp đáp trả của Iran, là điều mà Mỹ và phương Tây phải chịu trách nhiệm.

Ông đánh giá thế nào về áp lực với Iraq, nước có quan hệ với cả Mỹ và Iran?

- Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Iraq, trong đó có 5.200 quân Mỹ. Trước đó tại thủ đô Baghdad đã diễn ra các cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người đòi Mỹ rút khỏi Iraq. Có thể nói đây là những hành động quân sự chống lại các lực lượng Mỹ lớn nhất kể từ khi Mỹ chiếm đóng Iraq năm 2003 đến nay. Ngày 5.1, Iraq cũng đã đệ trình khiếu nại Mỹ lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về cuộc tấn công của Mỹ vào lãnh thổ nước này. 

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn