MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giao thông ở Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka, Ấn Độ. Ảnh chụp màn hình

Khổ nạn tắc đường ở thung lũng Silicon của Ấn Độ

Thanh Hà LDO | 18/07/2023 14:57

Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka - được mệnh danh là thung lũng Silicon của Ấn Độ - được xem là nơi có giao thông tồi tệ thứ 2 thế giới sau London, Anh, theo công ty công nghệ bản đồ, định vị và điều hướng TomTom.

Ở Bengaluru, nhiều người đã từ bỏ hoàn toàn lái xe sau khi sa lầy trong những đợt tắc đường liên tục.

Ông Vivek Khanna, 43 tuổi, là một trong số đó. Nhân viên của một công ty khởi nghiệp công nghệ ở Bengaluru này hiện dựa vào dịch vụ gọi xe ôtô và khi giao thông quá tệ, ông chọn xe máy hoặc lam để đi qua những đoạn tắc đường.

Ông Khanna từng rất bức xúc về tình trạng giao thông, nhưng sau đó học cách chấp nhận rằng đây là một phần cuộc sống ở Bengaluru.

Với chuyên gia tài chính doanh nghiệp Vasanthi Nagaraj, 30 tuổi, tắc đường giúp cô yêu thích đọc sách hơn. "Theo một cách nào đó, giao thông giúp tôi duy trì và phát triển thói quen đọc sách vì nó giúp tôi quên đi những gì đang diễn ra trên đường. Tôi thấy rất nhiều người đọc sách, một số đọc trên Kindle, một số đọc trên điện thoại" - cô chia sẻ.

Một số người lái xe máy, như người đàn ông 39 tuổi Sudip Dhar, còn chọn đi tuyến đường dài hơn để tránh tắc đường. Sudip Dhar làm việc cho một tập đoàn giáo dục và thường mất 1 giờ 10 phút để di chuyển quãng đường 12km tới nơi làm việc. Do đó, Sudip Dhar thường tìm các tuyến đường khác, thậm chí là đường vòng để tránh các tuyến quá đông đúc.

Ở Bengaluru, tác động kinh tế do tắc nghẽn giao thông ở mức 5,92 tỉ USD năm 2018, theo Boston Consulting Group. Ước tính từ Cơ quan Phát triển Bengaluru cũng trong năm này nhận thấy, 11,8 triệu công dân của thành phố bị tước đoạt 600 triệu giờ mỗi năm do tắc đường. Cùng với đó, gần 280.000 lít nhiên liệu bị thất thoát mỗi giờ trong thành phố do tắc đường.

Theo dữ liệu do TomTom tổng hợp, mỗi năm, cư dân Bengaluru trung bình mất thêm 5 ngày và 14 giờ tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Đây là khoảng thời gian có thể dành cho công việc, giải trí và các hoạt động khác giúp tăng GDP.

Tình hình ở Bengaluru đang tồi tệ hơn khi có thêm hơn 5.000 phương tiện tham gia giao thông trên đường phố mỗi ngày. Số lượng phương tiện của Bengaluru tăng gấp đôi trong 10 năm, từ 5 triệu vào năm 2012 lên 10 triệu vào năm 2022. Tổng dân số của Bengaluru ở mức 13,6 triệu, nghĩa là cứ 1,3 người thì có 1 phương tiện.

Trung bình, người lái xe ở Bengaluru mất khoảng 29 phút 10 giây để đi hết quãng đường chỉ 10km trong thành phố. Ở Singapore, di chuyển quãng đường 10km mất 16 phút 30 giây, theo chỉ số giao thông TomTom năm 2022.

Bên cạnh đó, tác động với môi trường do tắc nghẽn ở Bengaluru rất lớn, với lượng khí thải xe cộ tăng thêm do tắc nghẽn ước tính khoảng 275 kg/người/năm, chiếm gần 30% tổng lượng khí thải bình quân đầu người hàng năm.

Ô nhiễm không khí do giao thông ở Bengaluru cũng là một nguyên nhân đáng lo ngại khác. Nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình xanh Ấn Độ thực hiện từ tháng 9.2021 đến tháng 9.2022 nhận thấy nồng độ trung bình hàng năm của bụi PM2.5 tại Bengaluru ở mức 29,01 microgam/m3, cao gấp 5 lần mức an toàn 5 microgam/m3 do Tổ chức Y tế Thế giới quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn