MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Xinhua

Kho vũ khí của NATO trống rỗng

Khánh Minh LDO | 20/06/2023 09:45
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, kho vũ khí của tổ chức này đã cạn kiệt.

Theo người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraina sẽ đòi hỏi sản xuất công nghiệp nhiều hơn.

NATO cần một ngành công nghiệp “mạnh mẽ hơn” để bổ sung kho vũ khí và đạn dược đã cạn kiệt sau một năm cung cấp cho Kiev - RT dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 19.6, tại một hội nghị công nghiệp ở Đức.

Khối quân sự do Mỹ lãnh đạo “phải tiếp tục hỗ trợ Ukraina” như đã làm từ năm 2014 - ông Stoltenberg nhấn mạnh tại Ngày Công nghiệp ở Berlin, do Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) tổ chức.

Tổng Thư ký lập luận: “Chúng ta cũng cần một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn. Vũ khí và đạn dược dự trữ của chúng ta đã cạn kiệt và cần được bổ sung. Không chỉ ở Đức, mà còn ở nhiều quốc gia trong NATO”.

Ông Stoltenberg cho hay, đã gặp các đại diện của ngành công nghiệp quân sự vào tuần trước và thảo luận về cách tốt nhất để tăng cường sản xuất và hợp lí hóa chuỗi cung ứng, nhấn mạnh đây là “chìa khóa để duy trì sự hỗ trợ của NATO cho Ukraina”.

Ông Stoltenberg cũng lặp lại lập luận của mình rằng, chỉ có một chiến thắng của Ukraina trên chiến trường mới có thể mang lại một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Các lực lượng của Kiev đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn ở mặt trận phía nam trong tuần qua, được cho là tổn thất nặng nề về nhân lực cũng như vũ khí do phương Tây cung cấp.

Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá hơn 100 tỉ USD tới Kiev trong năm ngoái, sau khi xung đột leo thang. Phương Tây khẳng định điều này không thực sự khiến họ trở thành một bên tham gia chiến sự với Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc phương Tây can dự trực tiếp, không chỉ với việc cung cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân đội Ukraina ở Anh, Đức, Italy và các nơi khác.

Kiev phàn nàn rằng, rất nhiều vũ khí được gửi đến trong tình trạng tồi tệ đến mức chúng phải được tháo rời để lấy các bộ phận. Theo New York Times, ít nhất 1/3 vũ khí của Ukraina đang được sửa chữa vào bất kì thời điểm nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn