MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống dẫn khí Nord Stream. Ảnh: Xinhua

Không còn Nord Stream, Đức vẫn có cách nhập khẩu khí đốt Nga

Ngọc Vân LDO | 10/03/2024 17:02

Dù không có đường ống dẫn khí Nord Stream, Đức vẫn có cách tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga.

Đức đã ngừng nhập khẩu trực tiếp khí đốt Nga vào mùa hè năm 2022, vài tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, nhưng dữ liệu mới cho thấy một lượng khí đốt đáng kể vẫn tiếp tục tìm đường vào Đức thông qua các nước láng giềng.

Trang High North News đưa tin, các nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai và thứ ba của Đức là Hà Lan và Bỉ đã nhập khẩu một lượng đáng kể khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Yamal LNG của Nga. Lượng LNG này sau đó đến Đức qua đường ống dẫn khí xuyên biên giới. Hà Lan cung cấp 26% còn Bỉ cung cấp 22% nhu cầu khí đốt của Đức.

Một nghiên cứu mới của tổ chức phi lợi nhuận môi trường Đức Urgewald cùng với tổ chức phi lợi nhuận Bỉ Bond Peter Leefmilieu kết luận rằng, năm 2022, có tới 11% lượng khí đốt giao từ nước láng giềng Bỉ có nguồn gốc từ LNG của Nga.

Thị phần có thể còn cao hơn trong năm 2023 do Bỉ mở rộng nhập khẩu LNG từ dự án Yamal ở Nga. Khoảng 1/3 toàn bộ sản lượng của Yamal đi qua nhà ga LNG Zeebrugge ở Bỉ.

Moritz Leiner, phụ trách năng lượng tại Urgewald, khuyến cáo chính quyền Berlin phải chặn các đường dẫn khí đốt của Nga vào Đức. Theo ông Moritz Leiner, ở cấp độ châu Âu, Đức phải ủng hộ lệnh tạm nhập tái xuất khí đốt Nga.

Trạm khí đốt xuyên biên giới. Ảnh: Công ty hệ thống truyền tải khí Trung Âu NET4GAS

Không thể xác định chính xác dòng LNG của Nga khi nó đến các kho cảng ở Bỉ và Hà Lan. Sau khi được tái hóa khí, LNG đi vào mạng lưới châu Âu và trộn lẫn với các nguồn cung cấp khác. Các nước EU nhập khẩu khoảng 1 tỉ USD LNG của Nga mỗi tháng.

Tổ chức Urgewald cho biết, con đường LNG của Nga đến Hà Lan thậm chí còn khó theo dõi hơn. Tuy nhiên, thông lệ của các thương nhân toàn cầu là nhập khẩu LNG của Nga và sau đó tái xuất dưới dạng sản phẩm “chung”, bao gồm cả các nước trong EU. Trước đây, Trung Quốc đã nhận LNG từ Bắc Cực của Nga để bán cho người mua ở châu Âu.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ cơ quan mạng lưới khí đốt liên bang Đức và Kpler - công ty dữ liệu hàng hóa và năng lượng toàn cầu.

Dữ liệu mới đi ngược lại với việc Đức tái định hướng hoàn toàn khỏi nguồn cung khí đốt Nga kể từ khi Mátxcơva đưa quân vào Ukraina. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 4-6% nguồn cung cấp khí đốt của Đức tiếp tục bắt nguồn từ Nga.

Đường ống Nord Stream dẫn khí đốt Nga trực tiếp sang Đức đã bị phá hủy trong các vụ nổ vào tháng 9.2022 khiến nguồn cung qua đường ống này bị dừng lại cho đến nay.

Na Uy nhanh chóng thăng hạng để trở thành nhà cung cấp năng lượng quan trọng nhất của Đức, vượt qua Hà Lan và Bỉ.

Trong năm 2023, Na Uy đã cung cấp 43% lượng khí đốt qua đường ống và 4% lượng LNG cho Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn