MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed al-Nahyan (phải) đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thăm Abu Dhabi, ngày 19.7.2023. Ảnh: AFP

Khu vực sáng giá

Ngạc Ngư LDO | 24/07/2023 09:40

Trong những ngày vừa qua, khu vực vùng Vịnh tiếp tục là tâm điểm của sự quan tâm và tranh thủ của các đối tác bên ngoài.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cất công tới những đối tác quan trọng của Ấn Độ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này.

Ông Modi tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ông Kishida và ông Erdogan công du đến UAE, Saudi Arabia và Qatar.

Trên chương trình nghị sự của các sự kiện ngoại giao song phương này, vấn đề quan hệ và thái độ đối với Nga cũng như đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina chỉ là nội dung phụ bên lề. Trọng tâm chính là chuyện hợp tác kinh tế và thương mại song phương trong bối cảnh thế giới nói chung và khu vực vùng Vịnh nói riêng biến động mạnh mẽ bởi tác động sâu rộng của cuộc cạnh tranh và xung khắc giữa các đối tác lớn, bởi cuộc xung đột ở Ukraina.

Chuyến thăm các nước vùng Vịnh của ông Modi, ông Kishida và ông Erdogan là bằng chứng mới đây nhất củng cố một chiều hướng diễn biến là khu vực vùng Vịnh ngày càng thêm có giá đối với các đối tác bên ngoài; các nước trong khu vực được các đối tác bên ngoài tăng cường tranh thủ; các đối tác bên ngoài này ganh đua lẫn nhau thật sự và quyết liệt để tranh thủ các nước trong khu vực.

Đầu tiên chỉ là chuyện Mỹ không còn dành ưu tiên chiến lược hàng đầu như trước cho khu vực này trong khi Nga và Trung Quốc tăng cường gây dựng và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Nga và Trung Quốc đã gặt hái thành quả không hề nhỏ với việc phân hoá các nước trong khu vực vùng Vịnh với Mỹ. Sau đó, các đối tác bên ngoài khác tìm cách chinh phục những quốc gia trong khu vực vùng Vịnh và các quốc gia trong khu vực cũng chủ động vươn ra với các đối tác bên ngoài khác.

Các nước trong khu vực vùng Vịnh hiện có "hai cái có và hai cái cần" thu hút sự quan tâm của thế giới bên ngoài. "Hai cái có" là họ có nguồn tài chính dồi dào sau nhiều thập kỷ thịnh vượng nhờ khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt.

Ngoài ra, họ có thế mạnh đặc biệt, thậm chí còn có thể được coi là đặc biệt nổi trội với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt vẫn rất dồi dào, trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới rối loạn về cung ứng và đảm bảo an ninh năng lượng trở thành vấn đề nan giải đối với cả thế giới.

"Hai cái cần" là cần thị trường và đối tác bên ngoài phục vụ cho những cuộc cải cách chính trị, kinh tế và xã hội nhằm đảm bảo phát triển thịnh vượng ở thời kỳ cạn kiệt dầu mỏ và khí đốt trong tương lai gần chứ không xa và cần nhiều đối tác bên ngoài để chơi con bài đối trọng. Những cái có và cần này tác động chẳng khác gì lời mời chào nồng nhiệt các đối tác bên ngoài tiếp cận, xâm nhập và chinh phục cả vùng Vịnh.

Các đối tác bên ngoài theo đuổi lợi ích khác nhau với việc tận dụng cơ hội và lời mời này. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ nhằm vào cung ứng năng lượng và vốn đầu tư trực tiếp của các quốc gia vùng Vịnh, trong khi Nhật Bản lại quan tâm hàng đầu tới đảm bảo cung ứng năng lượng và gây dựng vai trò chính trị thế giới ở khu vực này.

Ấn Độ theo đuổi tham vọng hình thành những tập hợp lực lượng mới trên những lĩnh vực khác nhau làm đối trọng với những khuôn khổ diễn đàn đa phương hiện có như nhóm G7 hay nhóm G20.

Ngoài ra, Ấn Độ hiện còn là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của nhóm G20 và phải vận động các thành viên của nhóm cũng như các quốc gia khác trên thế giới tán đồng và hậu thuẫn chương trình nghị sự của Ấn Độ trong nhóm G20.

Ở ngay chính vùng Vịnh hiện cũng đang có nhiều biến động rất sâu sắc về mọi mặt. Các quốc gia ở vùng Vịnh và khu vực Trung Đông tăng cường hoà giải và bình thường hoá quan hệ hợp tác với nhau, mở ra thời kỳ quan hệ quốc tế mới, tự trở thành những đối tác hợp tác thích hợp cho thế giới bên ngoài. Khu vực này còn tiếp tục sáng giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn