MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người di cư mắc kẹt ở biên giới Belarus-Balan. Ảnh: AFP

Khủng hoảng biên giới Ba Lan - Belarus ngày càng trầm trọng

Khánh Minh LDO | 11/11/2021 11:06
Người di cư mắc kẹt trong những khu rừng đóng băng khi cuộc khủng hoảng biên giới Ba Lan-Belarus ngày càng trầm trọng.

Các nước thành viên EU và NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia cho biết đã chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng người cố nhập cảnh trái phép vào nước mình từ Belarus trong những tháng gần đây.

Sputnik phân tích liệu có thể xảy ra kịch bản dùng vũ lực để giải quyết vấn đề hay không và điều gì ẩn sau dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Belarus đến Liên minh Châu Âu.

Vòng tránh các trạm kiểm soát

Các quan chức ở Ba Lan cho biết có khoảng 4.000 người hiện đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới phía đông của Ba Lan. Nhiệt độ ban đêm tại khu vực biên giới đã giảm xuống dưới 0 độ C, và đã có một số người thiệt mạng trong những tuần gần đây.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan đặc nhiệm.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Vazhik đăng một đoạn video trên Twitter cho thấy hàng trăm người đang tiếp cận biên giới từ phía Belarus, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Lực lượng biên phòng Ba Lan khẳng định có tổng cộng vài nghìn người di cư và họ đang đi xuyên qua những khu rừng, tránh các trạm kiểm soát.

Thư ký báo chí của điều phối viên các cơ quan đặc nhiệm Ba Lan Stanislav Zharin tuyên bố về "những nỗ lực lớn nhất thâm nhập lực lượng lớn vào đất nước". Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak đặt các lực lượng biên phòng trong tình trạng báo động. Theo ông, có hơn 12.000 binh sĩ Ba Lan ở đó. Khí cay đã được sử dụng.

Phía Ba Lan cho rằng đoàn người di cư được cho là do lực lượng an ninh Belarus chỉ đạo tổ chức theo tuyến đường này. Các nhà khoa học chính trị Ba Lan cho rằng chính quyền Belarus đang cố tình khiêu khích EU bằng cách tạo điều kiện cho việc di cư bất hợp pháp.

Lithuania cũng đang kéo quân tới biên giới Belarus. Vào mùa hè, Lithuania, theo gương của Ba Lan, đã dựng hàng rào thép gai. Theo Bộ Ngoại giao Lithuania, kể từ năm ngoái, dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Belarus đã tăng gấp 15 lần. Lithuania cũng cho rằng Belarus đang sử dụng vấn đề di cư cho mục đích chính trị.

Trong khi đó, EU cáo buộc Belarus đã kích động dòng người di cư để trả đũa các lệnh trừng phạt của khối đối với nước này. Lệnh trừng phạt được đưa ra sau các cuộc biểu tình lớn hậu bầu cử tổng thống ở Belarus vào năm ngoái và vụ bắt giữ nhà báo trên một chuyến bay khiến máy bay của hãng hàng không Ryanair buộc phải hạ cánh xuống Minsk.

Người di cư trước hàng rào ngăn biên giới Belarus với Ba Lan. Ảnh: AFP

Belarus bác bỏ cáo buộc

Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố, những cáo buộc từ Ba Lan về việc quân đội Belarus vi phạm biên giới và họ can dự vào cuộc khủng hoảng di cư là không có cơ sở, trong khi phía Ba Lan đang cố tình chính trị hóa tình hình, cáo buộc Warsaw vi phạm các thỏa thuận khi đưa hàng nghìn binh lính tới biên giới.

Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko lưu ý, Minsk sẽ không kiềm chế dòng người di cư bất hợp pháp đến các nước EU vì Belarus đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, do đó "không có tiền và lực" cho việc này.

Đại diện chính thức của Ủy ban Biên giới quốc gia Belarus Anton Bychkovsky nói với Sputnik: Những người tị nạn đang cố gắng đến Ba Lan và yêu cầu quy chế tị nạn ở EU. Ông nói thêm: “Họ tự tổ chức thành nhóm lớn đông như vậy để loại trừ việc cưỡng chế di dời của phía Ba Lan, cũng như thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế”.

Theo dữ liệu chính thức của Belarus, cho đến nay chỉ có một số người đã vượt qua biên giới. Theo thông tin từ các quan chức an ninh, năm nay, gần 900 người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt giữ, và khoảng 30.000 người âm mưu vượt qua biên giới.

Những người di cư đến Minsk trên các chuyến bay thường xuyên từ Istanbul và Baghdad. Có cả người Afghanistan, nhưng chủ yếu là người Kurd, họ lo ngại tình trạng leo thang do quân đội Mỹ sắp rút khỏi Iraq theo kịch bản Afghanistan.

Điện Kremlin kêu gọi Minsk giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc cơ quan di trú của Belarus sẽ thực hiện các biện pháp để đưa tình hình trở lại theo hướng hợp pháp”.

Sau cuộc trao đổi mang tính tham vấn giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 9.11, Điện Kremlin lên tiếng chỉ trích EU "bất lực" trong việc thực hiện chính các tiêu chuẩn nhân đạo của mình và tìm cách bóp nghẹt Belarus bằng kế hoạch đóng cửa biên giới phía Đông.

Tuy nhiên, ngay sau trao đổi giữa hai ông Putin và Lukashenko, hãng TASS của Nga cho hay Mátxcơva "sẵn sàng làm trung gian để Minsk và Brussels nói chuyện".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn