MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi nhánh Ngân hàng First Republic ở Millbrae, California, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Khủng hoảng ngân hàng Mỹ có thể cản trở châu Á chuyển đổi năng lượng

Duy Phương LDO | 16/04/2023 12:00

Sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu về khí hậu và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của châu Á khi các ngân hàng và quốc gia thắt chặt cho vay.

Sự sụp đổ của 2 ngân hàng Mỹ và việc chi ra 30 tỉ USD để cứu ngân hàng First Republic trong giai đoạn gần đây cho thấy ngành ngân hàng Mỹ đang gặp khủng hoảng rất lớn.

Cuộc khủng hoảng không lan sang châu Á như năm 2008. Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm lớn nhất là liệu các điều kiện cho vay khó khăn hơn có cản trở quá trình chuyển đổi của châu Á sang năng lượng sạch và việc đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu hay không.

Tác động của biến đổi khí hậu có thể được thấy rõ ở châu Á. Châu lục này là nơi có 19 trong số 25 thành phố dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới bởi mực nước biển dâng cao 1 mét. 

Lũ lụt lớn đã tấn công Indonesia và Malaysia trong năm nay, trong khi 1/3 diện tích của Pakistan bị nhấn chìm vào năm ngoái.

Người dân lội qua nước lũ ở Sragen, Trung Java, Indonesia. Ảnh: Xinhua

Ấn Độ đã tạm dừng xuất khẩu lúa mì sau khi trải qua mùa xuân ấm áp bất thường, trong khi sự bất ổn về gió mùa đang đe dọa sản lượng gạo của nước này trong năm nay.

Trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế vào tháng trước, ông Arifin Tasrif - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Indonesia - cho biết, ASEAN sẽ cần 29,4 nghìn tỉ USD cho đến năm 2050 để đạt được 100% sản lượng năng lượng tái tạo.

ASEAN đặt mục tiêu đạt được 23% tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp năng lượng và 35% công suất điện lắp đặt vào năm 2025.

Các quốc gia thành viên của ASEAN đang hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Có một số lợi thế cho khu vực khi các quốc gia giàu tài nguyên như Indonesia sở hữu những nguồn tài nguyên quan trọng như niken - thành phần chính trong sản xuất xe điện.

Ngoài ra, châu Á vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá với nguồn cung dồi dào trong khu vực lân cận.

Trung Quốc và Ấn Độ - 2 trong số những quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới - đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi phải cân bằng các mục tiêu về khí hậu với nhu cầu công nghiệp sau các đợt phong tỏa do COVID-19.

Để không phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ cần có nỗ lực khổng lồ. Ấn Độ ước tính cần 900 tỉ USD trong 30 năm tới để thực hiện quá trình chuyển đổi.

Tuy nhiên, không có lựa chọn nào dễ dàng khi thế giới đang không đạt được mục tiêu khí hậu quan trọng nhất: Hạn chế Trái đất nóng lên thêm 1,5 độ C.

Ông Tasrif cho hay, các quốc gia Đông Nam Á đang yêu cầu các công nghệ carbon thấp và các khoảng cho vay lãi suất thấp từ nhiều nguồn để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Nhưng để có thể có được những khoản tiền lớn như vậy trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất.

Châu Á - Thái Bình Dương phải trả gấp nhiều lần do nhiên liệu hóa thạch phần lớn được nhập khẩu và chi phí vận chuyển hàng hóa năm ngoái đạt mức cao kỷ lục.

Nhiều quốc gia - bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia - đã bắt đầu tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo khi xung đột Nga - Ukraina củng cố nhu cầu về an ninh năng lượng.

Trong khi các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á sẽ phải đóng vai trò xúc tác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi khí hậu của Châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia lớn hơn của khu vực có thể tận dụng thế mạnh để hỗ trợ sự phát triển ở các quốc gia nhỏ hơn.

Ông Tim Buckley - Giám đốc của Climate Energy Finance - nói rằng, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào thị trường nội địa nhưng hầu như không hỗ trợ các sáng kiến năng lượng ​​tái tạo ở khu vực châu Á mới nổi.

“Trung Quốc có một số ngân hàng lớn nhất thế giới, vì vậy khả năng hỗ trợ lĩnh vực này là rất lớn” - ông Buckley thông tin thêm.

Ông Avinash Persaud - Giáo sư danh dự của Đại học Gresham ở Vương quốc Anh - khẳng định, G7 đang hành động để giúp cải thiện khả năng phục hồi khí hậu.

Vai trò chủ tịch G20 của Ấn Độ trong năm nay có nghĩa là quốc gia này có thể đóng vai trò rất lớn để đẩy nhanh hoạt động cho vay.

Thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn nhiều, nếu cứ chờ đợi các điều kiện tài chính tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn